Sau một năm triển khai mô hình trường chất lượng cao, Hà Nội vẫn đang loay hoay tìm hướng để phát triển loại hình trường này, nhất là trước bài toán về kinh phí, đội ngũ giáo viên ở các trường công lập. 
 
 
Với các kiến nghị trên của lãnh đạo các trường, ông Tài cho rằng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ phải giải trình được với Hội đồng Nhân dân thành phố về các vấn đề mâu thuẫn phát sinh.
 
Mâu thuẫn thứ nhất, theo ông Tài, nếu nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí thường xuyên liệu có mâu thuẫn với các trường công lập? “Nếu các trường đều được cấp kinh phí thường xuyên, đồng thời được thu thêm nếu phát sinh dịch vụ thì các trường sẽ đều muốn đăng ký trường chất lượng cao,” ông Tài nói.
 
Thứ hai là nếu các trường vẫn muốn được đầu tư, nghĩa là có nhà nước hỗ trợ đằng sau, trong khi các trường đã được hưởng uy tín từ trường công lập trước đó, thì sẽ có mâu thuẫn trong việc cạnh tranh với các trường ngoài công lập. 
 
Lo thiếu ngân sách, nhưng chưa lo đội ngũ?
 
Tham dự hội thảo, sau khi nghe các trường than thiếu tiền, nhiều chuyên gia cho rằng các hiệu trưởng nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đào tạo, đặc biệt là chất lượng đội ngũ giáo viên. Khi có đội ngũ giáo viên tốt, chất lượng đào tạo tốt, khẳng định được chất lượng, dù học phí cao, trường vẫn sẽ thu hút được người học.
 
Theo ông Vũ Ngọc Phương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô, nếu không có đội ngũ giáo viên tốt thì dù cơ sở vật chất tốt, chương trình tốt cũng không đảm bảo có chất lượng đào tạo tốt. 
 
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú cũng cho rằng các trường lo bị cắt xén ngân sách, nhưng chưa lo đội ngũ giáo viên trong khi đây là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục.
 
“Khi đã khẳng định được chất lượng, phụ huynh sẵn sàng thắt lưng buộc bụng đầu tư cho con. Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm là một ví dụ, dù học phí cao nhưng để vào trường cũng không dễ dàng,” bà Nhiếp nói./.
 
Theo Vietnam+
.