Chiều 9-8, ông Lê Ngọc Quang, Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội đã thông tin về việc Hà Nội áp dụng mức học phí mới đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn từ năm học 2016-2017.

Theo ông Lê Ngọc Quang, vừa qua, kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của TP từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021. Lộ trình tăng qua các năm học ở mức cụ thể: Năm học 2017-2018 mức thu được áp dụng ở vùng thành thị đang được áp dụng ở mức 60.000 đồng/tháng/học sinh sẽ tăng lên 80.000 đồng/tháng/học sinh và 110.000 đồng/học sinh/tháng năm học 2017-2018; tăng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng năm học 2020-2021.

 

 Việc tăng mức học phí sẽ hạn chế được tình trạng lạm thu. Ảnh minh họa
Việc tăng mức học phí sẽ hạn chế được tình trạng lạm thu. Ảnh minh họa


Ở vùng nông thôn, mức thu đề xuất từ 30.000 đồng/học sinh/tháng năm học 2015-2016 lên 40.000 đồng/học sinh/tháng năm học 2016-2017; thu 55.000 đồng/học sinh/tháng năm học 2017-2018 và đến năm học 2020-2021 mức thu là 120.000 đồng/tháng/học sinh.

Ở vùng miền núi, mức thu năm học 2015- 2016 là 8.000 đồng/học sinh/tháng, đề xuất từ năm học 2016- 2017 thu 10.000 đồng/học sinh/tháng; thu 14.000 đồng/học sinh/tháng năm học 2017-2018 và thu 30.000 đồng/học sinh/tháng năm học 2020-2021.

Tổng số thu học phí theo mức thu đề xuất dự kiến là 450,404 tỷ đồng; tăng 112,538 tỷ đồng so năm học trước, trong đó: Khu vực thành thị tăng: 65,108 tỷ đồng, khu vực nông thôn tăng: 47,183 tỷ đồng, khu vực miền núi tăng 0,247 tỷ đồng.

Mặc dù được điều chỉnh tăng nhưng mức học phí năm học 2016-2017 của TP Hà Nội thấp hơn so với mức bình quân các TP trực thuộc Trung ương; thấp hơn mức thu bình quân của các TP HCM, Hải Phòng; thấp hơn so với bình quân 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng. Mức thu từ năm học 2016-2017 tăng khoảng 25%- 33% so với năm học 2015-2016 và nằm trong khung quy định của Chính phủ. Định hướng các năm sau tăng từ 20%-41% so năm trước theo từng vùng khác nhau để đến năm học 2020-2021 mức thu đạt mức cao trong khung học phí theo quy định của Chính phủ, góp phần huy động bổ sung từ nguồn đóng góp của nhân dân và giảm phần chi từ ngân sách.

Ông Quang cho biết, việc điều chỉnh tăng học phí không làm ảnh hưởng đến các đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Trung ương (riêng đối tượng nghèo và cận nghèo thực hiện theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của TP). Kinh phí thực hiện chế độ miễn, giảm theo mức thu mới khoảng 13,688 tỷ đồng. Nguồn học phí tăng thêm sẽ hỗ trợ các cơ sở giáo dục công lập có thêm điều kiện về nguồn lực để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất…

Hiện nay nguồn thu học phí của Hà Nội được áp dụng ở mức thấp nhất trong khung học phí quy định của Chính phủ; các đơn vị phải sử dụng 40% tổng số thu học phí để chi thực hiện cải cách tiền lương. Như vậy, kinh phí còn lại (60% nguồn thu học phí) được sử dụng để chi hỗ trợ phục vụ giảng dạy và học tập. Điều này sẽ hạn chế về nguồn lực hỗ trợ các cơ sở giáo dục để nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo. Năm học 2015-2016 tổng số thu từ học phí công lập cấp học mầm non và phổ thông của Hà Nội là khoảng 287,519 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 6,7% tổng chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp); kinh phí ngân sách Nhà nước cấp chi theo định mức khoảng 4.028,709 tỷ đồng.

Giải đáp những băn khoăn về việc tăng học phí có thể dẫn đến lạm thu hay không? Tăng học phí có tăng chất lượng giáo dục hay không?, ông Quang cho biết: Theo Quyết định 51 có quy định cụ thể các khoản thu ngoài học phí, có 10 khoản thu cụ thể. Năm học nào cũng chấn chỉnh tránh lạm thu; hướng dẫn rõ thế nào là thu bắt buộc, thu hộ, lạm thu… Các đoàn kiểm tra năm học nào cũng đi kiểm tra, nếu sai thì uốn nắn, sai quá thì xử lý. Việc tăng học phí cũng là hình thức giúp giảm lạm thu.

Sở GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm Quyết định 51 để tránh lạm thu. Quy định trong nguồn thu được từ học phí sẽ dùng 40% cho cải cách tiền lương, 60% chi cho dạy và học-đây là điều kiện để các trường tăng ngân sách đầu tư cho dạy và học, góp phần tăng thêm chi cho hoạt động giáo dục…

Việc tăng ở trường công lập cũng không ảnh hưởng đến mức thu của các trường tư thục, dân lập bởi theo nguyên tắc học phí ở trường tư thục là thỏa thuận giữa người học và nhà trường. Các trường nâng cao chất lượng dạy và học là quan trọng-nếu tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến tuyển sinh, ông Quang nhấn mạnh.

 

Theo PL&XH

.