Giấc mơ đại học và những hệ lụy
Cập nhật lúc 01:15, Thứ năm, 01/10/2015 (GMT+7)
Đến hôm nay, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về sự kiện cả xã hội "lên đồng" sau kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, kỳ thi 2 trong 1 đầu tiên theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo. (đại học, kỳ thi THPT, giáo dục)
Đến hôm nay, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về sự kiện cả xã hội “lên đồng” sau kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, kỳ thi 2 trong 1 đầu tiên theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó, kỳ tuyển chọn đại học đợt 1 được báo chí và các trang mạng xã hội mô tả là “chứng khoán tuyển sinh”, “vỡ trận” với không khí nóng bỏng, bức xúc đem lại không ít mệt mỏi cho thí sinh và phụ huynh, làm tổn hại đến hình ảnh cuộc thi 2 trong 1 đầu tiên được ghi nhận là bước đầu có kết quả tốt.
Hãy khoan nói đến cái đuôi quản lý “quan liêu bao cấp” trong cơ chế tuyển sinh của ngành giáo dục lẽ ra nên giao quyền tự chủ cho các trường đại học mà dư luận có quyền nghi ngờ có lợi ích nhóm gì ở đây; cũng xin không nói đến sự trục trặc kỹ thuật của hệ thống IT của Bộ, chỉ xin bàn về giấc mơ đại học của đông đảo thí sinh và cái nghịch lý trong hệ thống giáo dục đào tạo. Điều đáng lo là trong hệ thống giáo dục hiện hành có đào tạo đại học và đào tạo nghề nghiệp, nhưng tâm lý dễ thấy trong xã hội là giáo dục nghề nghiệp có vị trí rất thấp so với đại học. Trong tâm trạng phổ biến đó, người ta coi đại học là cánh cửa duy nhất vào đời và bỏ qua cánh cửa giáo dục nghề nghiệp, và chỉ chạy qua cánh cửa đó khi vạn bất đắc dĩ. Liệu đó có phải là lý do mà một số thi sinh trong cơn sốt rút, nộp hồ sơ không hề quan tâm ngành học có phù hợp hay không hay chỉ nhắm mắt chọn bất kỳ ngành nào miễn là vào được đại học?
Một con số cũng không thể không quan tâm: theo vnexpress trong những tháng đầu năm, số lao động đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ 162.000 lên 178.000, tăng 7,2% so với năm 2014. Lao động cao đẳng thất nghiệp từ 79.000 người lên 100.000 người, tăng 6,9%. Trong khi nhóm không bằng cấp thất nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ 0,97%. Thất nghiệp, có lý do chất lượng và hiệu quả đào tạo đại học chưa tương thích với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ngành giáo dục chạy theo chỉ tiêu của chính mình, nặng căn bệnh thành tích, cho mở trường đại học tràn lan, thiếu quy hoạch, bất chấp nhu cầu của xã hội kể cả cao đẳng hóa các trường cao đẳng một cách tùy tiện. Có lý do hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn chắp vá, chậm đổi mới, cũ kỹ và lạc hậu. Việc hệ thống giáo dục phổ thông thiếu định hướng nghề nghiệp, khiến cho giấc mơ đại học trong tâm lý xã hội càng nặng cân hơn và nguồn nhân lực thừa thầy thiếu thợ sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn đến sự phát triển của kinh tế đất nước, nhất là khi hội nhập toàn diện với thế giới.
Theo NTD
.