Trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, học viên hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) phải thi chung (chung đề, chung địa điểm, chấm chung) với hệ THPT. Sự hợp nhất trong quá trình thi tuyển là cơ sở để giáo viên, học viên hệ GDTX nhanh chóng thay đổi phương pháp dạy, học để thích nghi với những thay đổi từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.


Tạo điều kiện cho giáo viên (GV) hệ GDTX được học tập, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn trong quá trình giảng dạy, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thực hiện các buổi thao giảng, tổ chức thi GV dạy giỏi hệ GDTX cấp tỉnh; các Trường Trung cấp nghề - GDTX cấp huyện chủ động tìm nguồn GV, thỉnh giảng GV dạy giỏi từ các trường THPT tại địa phương về giảng dạy cho học viên (HV); các trung tâm, đơn vị trường tổ chức viết sáng kiến kinh nghiệm, đổi mới phương pháp giảng dạy tại 7 môn học gồm: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.

Ngoài ra, Hội đồng bộ môn hệ GDTX do Sở GD&ĐT tập hợp những thầy, cô giáo có kinh nghiệm tâm huyết đóng góp cho GV đang giảng dạy tại các trung tâm, đơn vị trường. Thầy Trần Trọng Hiền - Trung tâm GDTX TP.Sa Đéc cho biết: “Qua thực tế giảng dạy, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân các em lớp 10 làm bài thi điểm thấp là do các em không nhận dạng được bài tập, không thuộc công thức để áp dụng, không thuộc lý thuyết để làm bài, ít làm bài tập. Từ những nguyên nhân đó, chúng tôi chọn giải pháp họp phụ huynh để báo cáo kết quả học tập của HV cho phụ huynh nắm, từ đó quản lý các em chặt chẽ hơn, bồi dưỡng, nhắc lại kiến thức cũ cho HV yếu,... phần nào giúp các em có được hứng thú đối với môn Toán”. Đối với môn Vật Lý, thầy Võ Ngươn Chánh - Trung tâm GDTX TP.Sa Đéc cho biết: “Vật lý là môn học khó, việc phụ đạo HV được GV thực hiện ngay từ đầu năm học (sau 2 bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết). Khi HV tham gia học phụ đạo, GV hướng dẫn điểm danh; cho HV làm bài tập về nhà, kiểm tra bài tập của các em thường xuyên...”.

Đối với các môn xã hội, GV hệ GDTX cũng rất năng động khi cải tiến phương pháp cũ, chọn phương pháp mới để HV tiếp thu bài được tốt hơn. Cô Đào Thị Mỹ Linh dạy môn Lịch sử, Trung tâm GDTX - Kỹ thuật Hướng nghiệp tỉnh cho biết: “Để tạo hứng thú cho HV khi học môn Lịch sử, chúng tôi dùng biện pháp tạo lòng tin, hứng thú, say mê yêu thích bộ môn cho HV; sử dụng linh hoạt các thiết bị dạy, học trong giờ học, đổi mới phương pháp giảng dạy, thường xuyên tìm hiểu cập nhật thông tin liên quan đến bài giảng thông qua mạng Internet;...”.

Từng bước nâng chất lượng giảng dạy hệ GDTX, Sở GD&ĐT tạo điều kiện cho GV bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; yêu cầu GV hệ GDTX ngoài mục tiêu dạy tốt HV đạt các chỉ tiêu được giao so với mặt bằng chung của tỉnh, cần hướng đến mục tiêu chất lượng hệ GDTX khu vực. Ông Huỳnh Thanh Hùng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Sở GD&ĐT đề ra giải pháp tăng cường, cải tiến nâng cao chất lượng các hội thảo, thao giảng; tổ chức các kỳ thi GV dạy giỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ GV giảng dạy tại các Trung tâm. Theo đó, GV đang dạy tại các Trung tâm sẽ đăng ký thao giảng bộ môn; chia sẻ những kinh nghiệm phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng, năng lực người học; phương pháp bồi dưỡng HV yếu kém; học tập kinh nghiệm. Để đạt được kết quả tốt, đòi hỏi Ban Giám đốc Trung tâm, Hiệu trưởng các trường, GV nỗ lực hết sức vì HV...”.

Cùng với những thuận lợi, hiện tại hệ GDTX vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất; mở các lớp GDTX trong các trường phổ thông; đảm bảo các chế độ chính sách đối với GV để GV yên tâm công tác. Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, Sở GD&ĐT tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra đánh giá chất lượng các Trung tâm GDTX, chú ý đến chất lượng dạy và học tại các lớp bổ túc văn hóa.

 

Theo Báo Đồng Tháp

.