Điểm sàn và bài toán kiểm định
Cập nhật lúc 22:31, Thứ năm, 29/12/2016 (GMT+7)
Việc nhiều ý kiến lo lắng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có ý định bỏ điểm sàn ĐH cũng là điều dễ hiểu khi niềm tin của xã hội về chất lượng của các trường ĐH hiện nay ngày càng giảm. (điểm sàn, Bộ GD-ĐT, chất lượng, Thứ trưởng Bùi Văn Ga, xét tuyển)
Việc nhiều ý kiến lo lắng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có ý định bỏ điểm sàn ĐH cũng là điều dễ hiểu khi niềm tin của xã hội về chất lượng của các trường ĐH hiện nay ngày càng giảm.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga ngày 28-12, đã nhìn nhận thực tế vẫn còn có trường chạy theo số lượng, thiếu sàng lọc trong quá trình đào tạo dẫn đến chất lượng đào tạo có thể bị giảm sút nếu chất lượng đầu vào không được kiểm soát kỹ. Ngưỡng đảm bảo đầu vào hay còn gọi là điểm sàn vẫn là một trong những yếu tố liên quan đến chất lượng đào tạo nên Bộ GĐ-ĐT vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của các phương án khác nhau. Bộ sẽ trao đổi thống nhất với hiệu trưởng các trường để quyết định phương án xác định điểm sàn phù hợp. Như vậy, đến thời điểm này, bộ vẫn chưa thể quyết được việc bỏ điểm sàn.
Với các trường top trên, có lẽ điểm sàn không còn nhiều ý nghĩa. Các năm qua điểm sàn chỉ dao động ở mức 14-15 tùy khối và thực tế điểm chuẩn của của các trường có uy tín luôn vượt sàn ở mức cao. Tuy nhiên, ở các trường tốp giữa và tốp dưới điểm sàn luôn là “rào chắn” khi nhiều ngành học chỉ lấy bằng sàn. Thậm chí, với những trường tuyển sinh bằng học bạ, kết quả thi THPT quốc gia chỉ là 1 yếu tố để xét tuyển nên thí sinh chỉ 2-3 điểm/môn cũng có thể vào ĐH.
Thực tế, dù từ trước đến nay bộ có định điểm sàn nhưng ở đâu đó vẫn tồn tại sự bát nháo về tuyển sinh đầu vào khi các trường tìm đủ mọi cách, thậm chí chiêu trò để tuyển đủ chỉ tiêu. Chính vì vậy, việc bỏ hay giữ điểm sàn trong tương lai không còn nhiều ý nghĩa khi vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của ĐH ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, trong thời điểm này, trước khi quyết định bỏ điểm sàn Bộ GD-ĐT nên quan tâm đầu tư một cách nghiêm túc và hiệu quả việc kiểm định chất lượng của mỗi cơ sở giáo dục ĐH và công bố cho toàn xã hội được rõ.
Việc kiểm định chất lượng ĐH tại Việt Nam đang ở đâu? Hiện có 3 trung tâm kiểm định chất lượng ĐH trực thuộc ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM và ĐH Đà Nẵng được giao nhiệm vụ kiểm định chất lượng cho các trường ĐH, CĐ, trung cấp ở 3 miền và kiểm định chéo lẫn nhau. Tuy nhiên cả 3 trung tâm này mới thành lập từ 2-3 năm, rất non trẻ và chỉ đang trong quá trình hoàn thiện mô hình, cơ cấu tổ chức bộ máy nhân sự để vận hành.
Cả nước có tới gần 500 trường ĐH, CĐ với chu kỳ 5 năm/lần kiểm định và bình quân mỗi năm, những tổ chức này sẽ phải kiểm định khoảng 70 trường. Tuy nhiên, thực tế việc kiểm định hiện đang diễn ra rất chậm chạm. Lấy ví dụ, Trung tâm Kiểm định chất lượng của ĐHQG TP HCM sau gần 3 năm thành lập, chỉ mới đánh giá được 7 trường ĐH và công nhận 4 trường ĐH đạt chất lượng. Với tốc độ này, biết bao giờ mới kiểm định cho xong hết các trường để công bố cho toàn xã hội khi công tác này còn muôn vàn khó khăn về cả con người lẫn kinh phí?
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa cho biết năm 2017 sẽ đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, công khai, minh bạch các điều kiện bảo đảm chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng. Có lẽ Bộ GD-ĐT nên tập trung vào nhiệm vụ này và cân nhắc bỏ điểm sàn theo lộ trình. Khi chưa thể kiểm định chất lượng giáo dục ĐH và công bố cho xã hội biết thực hư về các trường ĐH mà “mở cửa” đầu vào thì không ai bảo đảm không có sự hỗn loạn trong tuyển sinh trong khi niềm tin xã hội đối với giáo dục ĐH đã nhiều phần mai một.
Theo Gia Thùy/Người lao động
.