Dạy học sinh cách bảo vệ mình ở trường
Cập nhật lúc 15:24, Thứ hai, 24/12/2012 (GMT+7)
Với một trường học lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn học sinh thì các tai nạn gây thương tích nghiêm trọng là điều rất dễ xảy ra nhưng cũng không khó kiểm soát nếu có được những biện pháp phòng tránh tích cực. (tài liệu, học sinh, hoạt động, kiến thức, tai nạn)
(BVPL) - Với một trường học lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn học sinh thì các tai nạn gây thương tích nghiêm trọng là điều rất dễ xảy ra nhưng cũng không khó kiểm soát nếu có được những biện pháp phòng tránh tích cực.
Những tai nạn bất ngờ
“Trường chúng con, cô giáo thông báo học sinh không được chơi đá bóng trong khi đá bóng là trò con trai thích nhất” – Nguyễn Hoàng Nam, học sinh lớp 4B, trường Tiểu học Quang Trung cho biết. Mặc dù rất muốn các cháu được tăng cường hoạt động thể chất nhưng phụ huynh đành phải thông cảm với “lệnh cấm” này của cô giáo vì sân trường quá nhỏ, học sinh lại đông, môn thể thao rất được ưa thích này lại rất dễ gây tai nạn cho các bạn trong giờ ra chơi. “Chơi đá bóng không xấu nhưng nếu chẳng may bóng bay vào cửa lớp vỡ kính sẽ nguy hiểm cho các bạn khác, chưa kể các con có thể xô vào nhau khi chơi. Nếu ngã thì rất nguy hiểm có thể gãy xương, phải nghỉ học” – mẹ của Nam phải phân tích rõ cho con hiểu về “lệnh cấm” này của nhà trường.
Không chỉ đá bóng dễ gây thương tích cho học sinh mà ngay cả bộ môn thể thao nhẹ nhàng hơn như cầu lông cũng tiềm ẩn không ít tai nạn bất ngờ. Mới đây, tại một trường THCS quận Đống Đa, một nam học sinh đã phải mổ mắt cấp cứu nhưng chưa chắc đã cứu được bên mắt bị chấn thương của học sinh này. Nguyên nhân là do trong khi đánh cầu lông với bạn, học sinh này đã bị quả cầu đập vào mắt gây vỡ thủy tinh thể. “Lúc đầu tôi chỉ thấy mắt của học sinh này đỏ và thấy dụi mắt nhiều, hỏi thì cháu nói là không thấy đau. Tuy nhiên, để cẩn thận tôi vẫn đề nghị phụ huynh đến đón cháu đi khám ngay. Kết quả bệnh viện thông báo khiến chúng tôi rất bất ngờ và lo lắng” – giáo viên chủ nhiệm của học sinh này chia sẻ. Thực tế, các chuyên gia nhãn khoa cho biết, hiện tượng vỡ thủy tinh thể do chơi cầu lông xảy ra khá phổ biến và khuyến cáo nhà trường cần cảnh báo cho học sinh nguy cơ này bởi sẽ khó chữa trị thậm chí là hỏng hẳn mắt nếu để bệnh nhân cấp cứu muộn sau vài giờ xảy ra tai nạn.
Chỉ vì trời mưa, không được ra chơi ngoài sân trường, cậu con trai 8 tuổi của chị N.T Hạnh, ở phố Ngô Tất Tố, Đống Đa, phải khâu 8 mũi trên đầu. Nguyên nhân là vì mải chơi với các bạn trong lớp, cậu học sinh này bị bạn xô ngã, đập đầu vào cạnh bục giảng của giáo viên. “May là có bác lao công đang quét dọn nhìn thấy nên đưa con thẳng xuống phòng y tế trường” - con trai chị Hạnh kể lại.
Hướng dẫn học sinh phòng tránh tai nạn
Kinh nghiệm quản lý nhiều năm tại trường tiểu học, bà Ngô Phi Khanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Thường Kiệt cho biết, với học sinh tiểu học, rất nhiều nguy cơ xảy tai nạn ở trường lớp. Biện pháp quan trọng nhất là tuyên truyền để các con có ý thức tự bảo vệ mình cũng như không ảnh hưởng đến các bạn. Để làm được việc này giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên nhắc nhở, phân tích cho học sinh của mình như chơi thế nào cho an toàn, ăn mặc làm sao cho dễ vận động, không bị vướng ngã... Nhất là khi có hiện tượng nào đó trong và ngoài trường liên quan đến an toàn học sinh thì giáo viên cần cập nhật ngay, như vậy các con sẽ dễ tiếp thu và tự rút kinh nghiệm bản thân. “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các con trong các tiết sinh hoạt đầu tuần, sinh hoạt lớp. Ngoài ra, các kiến thức phòng chống tai nạn thương tích cũng được giáo viên lồng ghép trong các môn học như Đạo đức, Khoa học tự nhiên và xã hội... Thông tin truyền tải liên tục, qua nhiều kênh sẽ giúp hạn chế tai nạn trong trường học, đặc biệt lứa tuổi học sinh tiểu học.” – bà Ngô Phi Khanh cho biết.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo y tế học đường TP Hà Nội, vấn đề tồn tại hiện nay là mặc dù các hoạt động tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho học sinh đã được đẩy mạnh nhưng tài liệu vẫn còn thiếu. Hầu hết các trường chỉ có một số tài liệu tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, chưa có nhiều tài liệu tuyên truyền về phòng chống các bệnh học đường khác thường gặp ở lứa tuổi học sinh, trong đó có những kiến thức về nguy cơ cao gây tai nạn trong và ngoài trường học.
Theo An ninh Thủ đô
.