Là một ngành có vị trí độc lập trong bộ máy Nhà nước theo quy định của Hiến pháp, có chức năng, nhiệm vụ, phương pháp công tác đặc thù, ngành Kiểm sát nhân dân có bộ máy tổ chức từ cấp Trung ương đến cấp huyện nên nhu cầu nhân lực rất lớn, mỗi năm cần tuyển dụng khoảng trên 1000 người.

 


Trên cơ sở khảo sát nhu cầu mở rộng diện tích xây dựng Trường và quy hoạch đất dành cho các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho VKSNDTC được khảo sát để chuẩn bị đầu tư xây dựng trụ sở mới của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trên địa bàn thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội. Đây dự kiến sẽ là cơ sở 2 của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội với hệ thống nhà giảng đường, ký túc xá, nhà giáo dục thể chất, công viên cây xanh... đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu chuẩn của một trường đại học. Sau khi có văn bản chấp thuận của UBND TP. Hà Nội, VKSNDTC sẽ tập trung nguồn lực hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Về lâu dài, cơ sở 2 tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội sẽ là nơi tổ chức đào tạo đại học chính quy. Cơ sở 1 của Trường hiện nay tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP. Hà Nội sẽ là nơi tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát; thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế về đào tạo cho cán bộ VKSND Lào, Campuchia và các nước khác.

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội là loại hình trường công lập, mục đích chủ yếu là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho ngành Kiểm sát các cấp từ Trung ương đến địa phương. Nguồn vốn đầu tư xây dựng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội chủ yếu từ ngân sách Nhà nước cấp. VKSNDTC đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để bố trí xây dựng hàng năm theo các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, VKSNDTC sẽ nghiên cứu xây dựng cơ chế để Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội có thể huy động nguồn vốn xã hội, tìm kiếm nguồn vốn ngoài ngân sách để hỗ trợ việc xây dựng và cải tạo trụ sở.

Kỳ vọng hiệu quả kinh tế - xã hội từ Trường

Hiệu quả chung mà Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đem lại là góp phần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội. Việc thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội phù hợp với Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020, Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Kiểm sát và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, góp phần đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội để thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020.

Hiệu quả kinh tế - xã hội mà Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đem lại cho ngành Kiểm sát là đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ đại học và sau đại học cho các VKSND và VKS Quân sự các cấp, nhất là giải quyết được nhu cầu bổ sung cán bộ có trình độ cử nhân cho VKS tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và Tây Nam bộ là những nơi hiện đang thiếu nghiêm trọng cán bộ do không có nguồn tuyển dụng; đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Kiểm sát để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của VKS là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Việc thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội với nhiệm vụ chủ yếu là phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Kiểm sát là giải  pháp quan trọng để thực hiện chủ trương của Đảng đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI là “Bảo đảm tốt hơn các điều kiện để VKSND thực hiện hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”.

Với việc triển khai đào tạo đại học và sau đại học các chuyên ngành Kiểm sát, tội phạm học, điều tra tội phạm…, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội sẽ góp phần cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành Kiểm sát và cho xã hội, đáp ứng các yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Việc thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội góp phần mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo cán bộ giữa cơ sở đào tạo trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam với các cơ sở đào tạo tương ứng của các nước trên thế giới, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là: “Đào tạo đủ số lượng cán bộ tư pháp có trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ chuyên sâu về lĩnh vực tư pháp quốc tế nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực”.

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đang tiến hành các công tác về tổ chức, xây dựng chương trình đào tạo, hoàn thiện cơ sở vật chất và triển khai các công việc để có thể tuyển sinh năm đầu tiên – năm 2013.
 

Kiều Linh

.