Đào tạo nhiều tiến sĩ để làm gì?
Cập nhật lúc 23:23, Thứ ba, 26/04/2016 (GMT+7)
Thông tin chỉ với 1,5 ngày, Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam lại cho ra lò 1 tiến sĩ quả là gây sốc với bất cứ ai. Dự kiến trong năm 2016, "lò" này tiếp tục đào tạo thêm 260 tiến sĩ. (đào tạo tiến sĩ, Học viện Khoa học Xã hội, thừa tiến sĩ)
Thông tin chỉ với 1,5 ngày, Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam lại cho ra lò 1 tiến sĩ quả là gây sốc với bất cứ ai. Dự kiến trong năm 2016, “lò” này tiếp tục đào tạo thêm 260 tiến sĩ.
Không ít người băn khoăn với những luận án tiến sĩ ở nhiều lĩnh vực đã được bảo vệ thành công tại “lò” này như luận án xã hội học “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch ủy ban nhân dân xã”; luận án kinh tế học: “Hiệu quả đầu tư công ở Nghệ An”; luận án tâm lý học: “Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm hoặc luận án luật học: “Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở TP HCM”... Thử hỏi những luận án này có tác dụng gì với cuộc sống, tác dụng gì về mặt học thuật hay là làm cho xong lấy được cái bằng tiến sĩ rồi xếp xó đề tài?
Tính háo danh và sự dễ dãi trong đào tạo đã dẫn đến thực trạng thừa tiến sĩ nhưng thiếu người làm chuyên môn ở rất nhiều ngành, nhiều cơ quan. Chúng ta không khó thấy tiến sĩ giấy lổn nhổn ở rất nhiều cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, nếu truy chuyên môn đã học thì mù tịt. Công tác quản lý hoàn toàn khác công tác nghiên cứu khoa học nên việc chạy theo bằng cấp như trên chẳng có tác dụng gì với phần lớn cán bộ, ngoài việc để khoe mẽ. Nói về vấn đề này, GS-TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam cho ví dụ: đào tạo ra tiến sĩ nông nghiệp nhưng khi ra đồng không phân biệt được cây cỏ mực với cây lúa thì chẳng biết đào tạo kiểu gì.
Trong khi đó, có những người nông dân chân lấm tay bùn suốt ngày quanh quẩn với ruộng đồng lại nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực, phục vụ tốt cho số đông người dân. Đơn cử, một nông dân học mới đến lớp 8 ở huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam đã chế tạo ra chiếc máy vớt và ép lục bình với công suất đến 150 tấn/ngày. Chiếc máy này quá cần thiết đối với đời sống nông nghiệp. Hoặc một nông dân cũng ở địa phương này mày mò tận dụng phụ tùng cũ của chiếc xe đạp chế ra chiếc máy đẩy tay dùng cày đất, xớt cỏ bệ, cào rác và cả gieo giống tự động. Cả ngàn sản phẩm tương tự cũng đã được nông dân miền Tây, miền Trung khác nghiên cứu để phục vụ chính công việc của mình mà không thấy bóng dáng của bất cứ vị tiến sĩ nào.
Xã hội luôn cần các nhà chuyên môn có những nghiên cứu đóng góp cải thiện cuộc sống. Đã đến lúc bậc đào tạo tiến sĩ cần phải siết chặt lại để học vị tiến sĩ được trao cho những người thực học, thực tài và có đóng góp hữu ích trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng cuộc sống.
Theo Người lao động
.