Năm học 2013-2014, phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” chính thức chuyển từ thí điểm sang dạy đại trà trên cả nước. Song “cuộc phiêu lưu đẹp đẽ” trong trường học Việt Nam mới chỉ đang bắt đầu.
 


GV Huỳnh Thị Phương Thúy cho biết: “SGK hiện nay cấu trúc bài học đã nói hết toàn bộ hình ảnh, các kết quả thí nghiệm rất cụ thể. Nếu để trò học theo như vậy sẽ không gây hứng thú vì các em biết hết rồi. Do đó tôi yêu cầu các em không mang cho SGK khi có tiết dạy theo BTNB”.

Cô Thúy cho biết thêm: “Trang thiết bị phục vụ cho phương pháp này rất quan trọng nhưng hiện nay đa phần GV phải tự mày mò, tìm tòi cho việc dạy. Thời lượng cho mỗi bài học hiện nay còn ngắn, GV phải chọn lựa bài học để dạy theo phương pháp này. Một số bài vẫn phải dạy theo phương pháp truyền thống”. Do học sinh được học 2 buổi ngày nên cô Thúy cân dạy các bài theo phương pháp BTNB ở buổi học chính, bài kia dạy buổi thứ hai.

GS Trần Thanh Vân, Hiệp hội Gặp gỡ Việt Nam một trong những người đầu tiên góp công đưa phương pháp này vào trường học tại Việt Nam trăn trở: “Hiện nay các GV của chúng ta chưa đào tạo một cách bài bản, để áp dụng phương pháp này cần có nhiều khóa tập huấn. Số GV đông nên phải làm 10-20 năm mới có thể thay đổi hoàn toàn.

Thêm trở ngại nữa là sĩ số mỗi lớp khá đông, từ 50-60 em/lớp cũng khiến việc phân nhóm, tổ chức làm thí nghiệm cho học trò có nhiều khó khăn”.

Phó Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành cho biết: “Cho tới nay, bộ đã biên soạn tài liệu dạy theo phương pháp BTNB cho các môn Vật lí, Hóa học, Sinh cấp THCS và Khoa học ở tiểu học. Hàng chục ngàn GV đã được qua các lớp tập huấn về phương pháp BTNB.

Nguồn học liệu cũng đang được bộ bổ sung bằng cách xây dựng website. Tại đây, các giáo viên có thể ghi lại các clip buổi giảng dạy để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp”.

Về nguồn thiết bị dạy học, ông Thành chia sẻ khó khăn với GV: “Tuy nhiên bộ khuyến khích GV có thể hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm từ những dụng cụ đơn giản, dễ làm”.

“Trong công văn gửi các trường Bộ hướng dẫn không nhất thiết theo từng bài từng tiết trong SGK; Các trường chủ động xây dựng chủ đề sao cho phù hợp với tiến trình sư phạm của phương pháp này” – ông Thành cho biết

Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu để tiến tới thay đổi cách kiểm tra, đánh giá học sinh. “Việc kiểm tra miệng, 15 phút, 1 tiết dần phải thay thế....”.
 

Theo Vietnamnet

.