Từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam và của HĐND, UBND tỉnh Nghệ An, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng và ban hành 12 kế hoạch, 1 hướng dẫn, 4 công văn về triển khai chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động Dự án 8 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong năm 2023, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Nghệ An đã ban hành thêm 7 kế hoạch, 1 công văn triển khai chỉ đạo hoạt động.Theo đó, có 11 địa bàn được thụ hưởng dự án đã tham mưu cho UBND cấp huyện về Kế hoạch tổ chức Dự án 8 giai đoạn I của chương trình MTQG 1719. Đồng thời, Hội LHPN tỉnh cũng đã ký kết công tác phối hợp hoạt động với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai Dự án.

leftcenterrightdel
Một buổi tập huấn do Hội LHPN tỉnh Nghệ An tổ chức về Dự án 8, Chương trình MTQG 1719.

Từ những kế hoạch được ban hành, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 7 lớp tập huấn Chương trình 2 về phát triển năng lực lồng ghép giới cho cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã; Tổ chức 4 lớp tập huấn Chương trình 3 về phát triển năng lực lồng ghép giới trong cộng đồng là cán bộ thôn bản, Người có uy tín trong thôn/bản.

Trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng phiếu khảo sát và tiến hành phỏng vấn 100 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, để từ đó nắm bắt tình hình phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh con tại nhà; kết hợp triển khai hỗ trợ gói chi phí cho bà mẹ sinh đẻ an toàn. Cùng với đó, các hoạt động liên quan đến mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng cũng đã được thành lập tại xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu và xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Tại mỗi địa chỉ tin cậy, người dân đã được tập huấn kỹ năng phát hiện, lên tiếng hỗ trợ người bị bạo lực, hỗ trợ mua sắm một số vật dụng cần thiết để phục vụ cho hoạt động…

Trong 5 năm qua, các cấp hội đã in và phát hành 18.960 cuốn tài liệu, 35.050 tờ rơi về “Luật hôn nhân gia đình”, “Hỏi đáp về giới và bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình”, “Tuyên truyền giáo dục đạo đức, truyền thống tốt đẹp trong gia đình”, “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình“… 

Đồng thời, in 3.650 đĩa DVD các tiểu phẩm sân khấu hóa các nội dung liên quan đến xây dựng hạnh phúc gia đình, vấn đề giới, phòng chống bạo lực gia đình… và phát hành rộng rãi. Cũng trong 5 năm qua, trong việc giám sát, phản biện xã hội về các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, các cấp hội đã tổ chức giám sát 2.563 cuộc về các nội dung này. Qua giám sát, các cấp hội đã kiến nghị, đề xuất một số vấn đề được chính quyền, các ban, ngành liên quan tiếp thu.

leftcenterrightdel

Truyền thông thay đổi nếp nghĩ, cách làm xóa bỏ định kiến giới, nhằm thay đổi các hủ tục, quan điểm lạc hậu tại huyện Con Cuông, tỉnh tỉnh Nghệ An.

Tại 11/11 đơn vị cấp huyện có đối tượng được thụ hưởng chính sách từ Dự án 8, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai Dự án 8 trên địa bàn và tổ chức được 25 lớp tập huấn lồng ghép giới cho cán bộ thôn, bản tại huyện Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu; 8 lớp tập huấn đánh giá và giám sát bình đẳng giới cho cán bộ thôn, bản tại huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Quế Phong.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai Dự án 8 Chương trình MTQG 1719, các Hội LHPN địa phương đã tổ chức 81 cuộc truyền thông về hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại huyện Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Thanh hương, Tương Dương và 55 cuộc truyền thông về thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới tại huyện Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Con Cuông và Quỳ Châu.

Tổng hợp từ 11 huyện, thị cũng cho thấy, thời gian qua, đã xây dựng được 2 mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người tại huyện Nghĩa Đàn; thành lập 10 địa chỉ tin cậy cộng đồng tại huyện Quỳ Châu, Anh Sơn, Quỳ Hợp và Quế Phong; tổ chức được 9 cuộc đối thoại chính sách về giảm nghèo, bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS tại huyện Quỳ Châu, Kỳ Sơn và Quỳ Hợp.

Từ các mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, “Góc tư vấn hôn nhân và gia đình”, mô hình “18+1” (18 chị giúp 1 chị thoát nghèo), mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, “Xây dựng cơ sở Hội vững mạnh, đồng hành cùng chi hội, tổ phụ nữ vùng dân tộc”..., toàn tỉnh đã nhân rộng được 855 mô hình phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế của mỗi địa phương. 

leftcenterrightdel
Một buổi tuyên truyền phụ nữ với pháp luật ở xã biên giới Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Hiệu quả lớn nhất là thông qua các mô hình, đã tạo điều kiện, cơ hội cho hội viên phụ nữ mạnh dạn, chủ động hơn, sẵn sàng lên tiếng, nắm được cách thức để bảo vệ bản thân và giải quyết các vấn đề xã hội liên quan trong cuộc sống hằng ngày.

Định hướng hoạt động trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp hội, phối hợp các đơn vị liên quan để triển khai các nội dung của Dự án 8 theo hướng dẫn cũng như theo tình hình thực tế địa phương. “Quan trọng nhất là phụ nữ, trẻ em, các đối tượng thụ hưởng của Dự án 8 được tiếp cận đầy đủ, đúng các nội dung của dự án này. Đó là mục tiêu cao nhất để phụ nữ, trẻ em vùng DTTS được phát triển đầy đủ, toàn diện, được quan tâm, chăm sóc… nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu trong cuộc sống hiện nay, góp phần kéo gần khoảng cách vùng miền, nâng cao vị thế người phụ nữ”, đại diện Hội LHPN tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.

P.V