Thí sinh điểm cao trượt ĐH là điều đáng tiếc nhưng không nên vì thế mà chọn bừa vào một trường, ngành nào đó nếu bản thân không có năng khiếu, sở thích, điều kiện vì sẽ gây rất nhiều hệ lụy.

 


Xét về kỳ tuyển sinh năm nay, tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm được một việc rất quý: Tạo môi trường cho những thí sinh (TS) có điểm số cao phát huy tối đa lợi thế của mình. Đây chính là phần thưởng tuyệt vời cho thành quả phấn đấu của những TS điểm cao. Đồng thời, những thế hệ học sinh khóa sau sẽ ý thức được tính quan trọng của kỳ thi THPT quốc gia hơn và các em sẽ phấn đấu nhiều hơn ở các năm phổ thông. Các em sẽ phải trau dồi học tập nhiều hơn trên ghế nhà trường chứ không phải trong lò luyện thi ĐH.

TS điểm cao thì đương nhiên được nhiều quyền hơn TS điểm thấp khi chọn trường, ngành. Họ được quyền chọn trường tốp trên, tốp giữa, thậm chí cả tốp dưới nếu thích, bởi giá trị của điểm số cao cho phép họ được chọn lựa đối tác theo mong muốn, đó chính là các trường ĐH, CĐ ở tất cả các ngành. Vì vậy, có thể tạm khẳng định TS có điểm số cao là những em có ưu thế để chọn lựa ước mơ, sở thích tùy vào sở trường, năng khiếu, truyền thống gia đình và những điều kiện riêng khác của chính họ.

Tuy nhiên, sau kỳ xét tuyển vừa qua, có thể thấy một bộ phận TS có nhiều hơn một năng khiếu hoặc sở thích. Điều đó được minh chứng bằng con số gần 44.000 lượt TS đăng ký thay đổi nguyện vọng - theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chưa kể số lượt TS rút, nộp hồ sơ qua nhiều trường khác nhau.

Nói cách khác, một bộ phận TS hiện nay có vô số năng khiếu, ước mơ. Hôm trước, họ ước mơ làm kỹ sư; hôm sau thấy trượt nên rút hồ sơ rong ruổi theo ước mơ làm kinh tế; hôm sau nữa lại trượt và vội vàng rút, nộp hồ sơ theo đuổi đam mê học luật…, cứ như thế cho đến khi có bến đỗ dừng chân. Những chuỗi ước mơ dài dằng dặc như tháp rượu cưới (tràn ly này thì đến ly khác), có thể dùng 5 từ để diễn tả mà vẫn không sai bản chất: “ước mơ vào đại học”. Ước mơ của họ đã làm tan vỡ ngần ấy ước mơ, khao khát thực sự của những TS khác vì không đủ điểm để cạnh tranh, được gọi là “ước mơ nghề nghiệp”. Đó là ước mơ của những TS có năng khiếu, sở thích thực sự.

Tan vỡ ước mơ vì quy chế!

TS điểm cao, trung bình hay điểm thấp thì khi chọn ngành nghề cũng phải tuân thủ luật chơi như lúc tham gia giao thông. Dù là xe buýt, xe khách, xe tải, xe máy, thậm chí cả người đi bộ, cũng phải đi đúng làn đường dành cho mình. Không thể vì ỷ lại mình là xe lớn hay xe đặc thù mà chạy lấn hết tất cả làn đường, gây ảnh hưởng đến các phương tiện khác, thậm chí gây tai nạn giao thông.

TS điểm cao cũng giống như người giàu có, họ có quyền chọn phương tiện lưu thông. Những phương tiện đó chính là một hoặc vài trường, ngành mà TS yêu thích. Một khi đã chọn thì phải đi đúng làn đường dành cho mình chứ không phải là vô số ước mơ - như một chiếc xe chạy trên tất cả làn đường, làm ảnh hưởng đến người khác (cạnh tranh với những trường, ngành yêu thích của TS khác) mà bản thân mình cũng có thể gặp tai nạn nguy hiểm (không hứng thú khi học, nản chí bỏ dở giữa chừng hoặc không phát huy được việc làm trong tương lai…).

TS nếu chọn ngành yêu thích ở trường tốp trên mà không đạt thì phải chọn đúng ngành đó ở trường tốp giữa hoặc tốp dưới chứ không thể điều chỉnh trái ngành để bằng mọi giá được vào trường tốp trên. Điều đó cũng giống như lái xe, dẫu có tắc đường thì phải chờ đợi, dẫu đi chậm hơn nhưng phải đúng làn dành cho mình chứ không thể vì vội vã mà lấn sang làn đường của người khác.

Nguyên nhân của thực tế này cần phải tổng kết, khảo cứu mới có thể kết luận được. Song, không loại trừ một trong những nguyên nhân là tâm lý chọn trường, ngành theo đám đông của xã hội, được hình thành trên mảnh đất màu mỡ của quy chế “1 trường/4 ngành và tự do rút, nộp”.

Việc TS nhắm mắt chọn bừa ngành học cốt chỉ để vào được cánh cửa ĐH sẽ dẫn đến hệ lụy rất lớn đối với công tác hoạch định nguồn nhân lực của các địa phương và hoạt động hướng nghiệp của toàn ngành giáo dục. Vì vậy, cơ chế quản lý của nhà nước cũng cần phải có đánh giá ảnh hưởng, tác động để chủ động đưa ra các giải pháp hạn chế, chứ không thể bị động ngồi chờ tâm lý xã hội tự điều chỉnh.

 

Theo Người lao động

.