Có rút ngắn thời gian đào tạo ĐH?
Cập nhật lúc 22:33, Thứ sáu, 25/11/2016 (GMT+7)
Không phải trường nào, ngành nào cũng có thể thực hiện được việc rút ngắn thời gian đào tạo ĐH từ 3-5 năm thay vì 4-6 năm như trước đây (Bộ Y tế, đào tạo ngành y, rút ngắn thời gian, đào tạo đại học)
Không phải trường nào, ngành nào cũng có thể thực hiện được việc rút ngắn thời gian đào tạo ĐH từ 3-5 năm thay vì 4-6 năm như trước đây
Xung quanh việc rút ngắn thời gian đào tạo ĐH theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà Chính phủ vừa ban hành, hiệu trưởng một trường ĐH đóng tại Hà Nội nhận xét việc rút ngắn thời gian đào tạo là phù hợp với khối các trường kinh tế, khoa học - xã hội, giúp người học có cơ hội kiếm việc làm sớm hơn, tổng chi phí đào tạo giảm đi, khung chương trình được giảm tải một số môn học…
Thuận lợi cho khối xã hội, kinh tế
Trên thực tế, hiện nay nhiều trường ĐH đã đào tạo theo hình thức tín chỉ, cho phép sinh viên có thể rút ngắn thời gian học từ 4 năm xuống còn 3 năm hoặc 3 năm rưỡi nên khi áp dụng theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới cũng không gặp khó khăn. Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho hay sau khi chuyển đổi sang hệ thống tín chỉ và tổng chương trình là 120 đến 130 tín chỉ thì số sinh viên tốt nghiệp sớm 1 kỳ học của trường đạt khoảng 10% - 15%.
|
Khó có thể rút ngắn đào tạo bác sĩ chuyên khoa và một số ngành đặc thù Ảnh: TẤN THẠNH |
Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có thể rút ngắn thời gian đào tạo. Hiệu trưởng một trường ĐH phân tích việc rút ngắn đào tạo ở bậc ĐH phụ thuộc vào hai yếu tố là ngành nghề đào tạo và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên. Có những ngành nghề có thể rút ngắn như lĩnh vực khoa học - xã hội, kinh tế..., nhưng cũng có những ngành nghề không nên rút ngắn thời gian đào tạo, như các ngành nghề mang tính nghề nghiệp chuyên nghiệp, khoa học sức khỏe.
“Muốn cắt giảm chương trình đào tạo từ 4 năm xuống 3 năm bắt buộc phải tính toán, sắp xếp lại chương trình các môn lý luận, cắt bỏ những học phần không cần thiết với ngành học. Còn nếu vẫn giữ tư duy xây dựng chương trình cũ như hiện nay, áp theo khung chương trình cứng mà buộc phải rút ngắn thời gian đào tạo còn 3 năm sẽ khiến các trường gặp khó khăn vì kiến thức các môn chuyên ngành sẽ phải giảm đi” - chuyên gia này nhận định.
Phải tăng thời gian đào tạo ngành y
Ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi, cho rằng việc thiết kế lại chương trình không đơn giản là cắt bỏ môn học một cách cơ học mà cần theo hướng giảm bớt nội dung kiến thức không phù hợp của các ngành học. Để sắp xếp lại chương trình đào tạo, trước tiên các trường cần căn cứ vào tình hình và nhu cầu thực tế của từng ngành, rà soát lại toàn bộ các môn học. Có những ngành học cần bổ sung thêm một số học phần thực hành hoặc đưa vào môn học chuyên sâu, bổ sung kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc sau khi sinh viên ra trường.
Theo ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, chương trình đào tạo của trường hiện được thiết kế theo 2 hệ là cử nhân có số tín chỉ tương đương 4 năm học và hệ kỹ sư là 5 năm. Nếu rút ngắn thời gian đào tạo sẽ không bảo đảm được lượng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu đối với các bậc đào tạo. Ông Tớp cũng khẳng định chương trình đã được thiết kế của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội không thể giảm được.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cũng cho rằng việc rút ngắn thời gian đào tạo ĐH phù hợp với số đông các trường ĐH nhưng chưa đề cập các ngành nghề đào tạo có tính đặc thù, đặc biệt là ngành liên quan đến vấn đề sức khỏe của con người. Hiện nay, thời gian đào tạo của các trường y ở Việt Nam đều là 6 năm và chưa có trường nào xem xét việc rút ngắn thời gian đào tạo vì chương trình đào tạo ngành y rất nhiều môn, học phần. Nếu dồn ép thời gian học thì sẽ không bảo đảm chất lượng.
Ông Tú cho rằng những ngành nghề đặc thù thì phải theo một khung đặc thù riêng. Để đào tạo ngành y, các trường y khoa trên thế giới đào tạo kỹ hơn Việt Nam rất nhiều. Hiện nay, hội đồng hiệu trưởng các trường y cùng với Bộ Y tế đang trình đề xuất là khung đào tạo bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ y khoa là 6+3-4, tức là 6 năm xong phải học thêm 3-4 năm nữa thì mới được gọi là bác sĩ chuyên khoa rồi hành nghề độc lập. Vì thế, để có những bác sĩ chất lượng, đào tạo y khoa không thể ngắn hơn mà phải dài hơn.
Rút ngắn nhờ công nghệ thông tin
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng thời gian đào tạo có thể được rút ngắn bởi ngày nay hiệu quả giảng dạy nhìn chung đã được cải thiện rõ rệt với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Chương trình đào tạo cũng được thiết kế cô đọng hơn, cung cấp cho sinh viên những kiến thức cốt lõi, những quy luật chung nhất để trên cơ sở đó có thể phát triển tư duy. Đào tạo ĐH không đơn thuần cung cấp kiến thức mà còn thúc đẩy phát huy năng lực và phẩm chất của sinh viên. |
Theo Yến Anh/Người lao động
.