Điểm sàn đại học đang khiến các thí sinh đứng ngồi không yên khi có nhiều trường Đại học top trên đang nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT ở mức 15,5 điểm. Theo nhiều chuyên gia, ngưỡng điểm này không có giá trị đối với các trường “hot”. Nếu không cẩn thận, thí sinh sẽ dễ bị “sập bẫy”. 
 
Ngược với dự đoán của số đông khi kết quả thi THPT quốc gia của thí sinh (TS) cao, các trường đại học (ĐH), thậm chí cả top trên có truyền thống lấy điểm đầu vào trên 22, đã ra thông báo nhận hồ sơ xét tuyển từ 15,5 điểm. Hiện hàng loạt trường đại học top trên như ĐH Y Hà Nội, ĐH Hà Nội, ĐH Y Thái Bình, ĐH Quốc gia TP.HCM… thông báo nhận hồ sơ xét tuyển từ 15,5 điểm, trong khi đó điểm chuẩn vào các trường này năm 2016 đều trên 20 điểm, những ngành hot lên đến 27 điểm. Các trường khối công an cũng công bố ngưỡng sàn chung là 15,5 điểm, trong đó các môn ở tổ hợp xét tuyển không dưới 5 điểm. Điểm chuẩn năm 2016 của trường khối công an đều ở mức 25 điểm trở lên, thậm chí với nữ là 29 điểm. Các trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng… đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ ngưỡng 18 điểm, nhưng mức điểm này vẫn thấp hơn mức điểm chuẩn hàng năm của trường khoảng 4 điểm. Giải thích cho hiện tượng các trường top trên công bố điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT là bởi đây được xem là giải pháp an toàn để đảm bảo đủ chỉ tiêu, bởi dù là trường top trên nhưng cũng có một số ngành kém hấp dẫn, tuyển sinh khó. Nhưng quả thực, việc này đã gây khó cho thí sinh trong việc đưa ra quyết định điều chỉnh nguyện vọng (NV), thí sinh bối rối không rõ cơ hội đỗ vào trường của mình là bao nhiêu nếu nộp hồ sơ, trong khi trường ĐH top dưới thì lại lo khó tuyển sinh vì các trường phía trên có khả năng hút hết thí sinh…
 
 Thí sinh cần xem xét kĩ tránh bị sập bẫy điểm sàn.
Thí sinh cần xem xét kĩ tránh bị sập bẫy điểm sàn.
 
Đã có không ít những lời cảnh báo từ các chuyên gia về thực trạng này. Nhiều ý kiến còn thẳng thắn cho rằng, các trường top trên nên đưa điểm sàn sát với điểm chuẩn hoặc phân theo nhóm ngành chứ không nên cào bằng như hiện nay. Nếu các trường càng đưa ra mức điểm sàn sát điểm chuẩn bao nhiêu thì càng thuận lợi cho thí sinh xác định khả năng trúng tuyển của mình. Chứ như hiện nay, điểm sàn cũng chỉ để tham khảo, không cẩn thận còn “bẫy” thí sinh nếu em đó không tìm hiểu kỹ thông tin. Nhìn một cách công bằng, không phải không có lý khi nhiều chuyên gia phản đối cách lấy điểm nhận hồ sơ của các trường top trên bằng sàn. Bởi điều hiển nhiên mà ai cũng nhìn ra là, hiện nay, với kỹ thuật phân tích dữ liệu, ngưỡng điểm những năm qua và mức điểm năm nay, có thể dự báo điểm chuẩn năm nay chắc chắn có xu hướng tăng. Cũng chính vì lẽ đó mà vô tình đây bị coi là “bẫy” tuyển sinh đối với thí sinh năm nay.
 
Trước tình trạng nhiều trường cào bằng mức điểm nhận hồ sơ như hiện nay, theo các chuyên gia giáo dục, thí sinh chỉ nên xem điểm nhận hồ sơ là điều kiện cần, quan trọng là phải so sánh điểm của mình với điểm chuẩn các năm trước của ngành, trường đó. Đặc biệt, thí sinh không nên chủ quan; nên đặt thêm nguyện vọng ở các trường hàng năm có mức điểm chuẩn thấp hơn mức điểm hiện có để tăng cơ hội đỗ vào trường. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng khuyên thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định điều chỉnh nguyện vọng. Vì đối với những trường top đầu, số điểm trúng tuyển năm nay sẽ nhích lên do kỳ thi năm 2017 có nhiều em đạt điểm cao. Còn các trường top giữa và top dưới, dự báo điểm chuẩn không chênh lệch so với năm 2016. Nếu thí sinh muốn thay đổi nguyện vọng, phải nghiên cứu đề án tuyển sinh của các trường và xem xét kỹ 2 năm trước điểm trúng tuyển ra sao để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
 
Điều dễ nhận thấy là, so với các năm trước, điểm mới trong kỳ xét tuyển đại học năm nay là thí sinh không bị giới hạn nguyện vọng, được điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất sau khi đã biết điểm thi và điểm sàn của Bộ GD&ĐT cũng như các trường đại học. Đến hết ngày 16/7, sau 2 ngày thực hiện điều chỉnh nguyện vọng (NV), đã có khoảng 13% số thí sinh trên điểm sàn (khoảng 70.000 TS) điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển đợt 1. Bên cạnh đó, trong đợt đăng ký xét tuyển đầu tiên, có những ngành số thí sinh đăng ký lên tới hàng ngàn, nhưng có ngành lại rất ít thí sinh đăng ký. Điều này lại đặt ra nhiều thách thức đối với các trường đại học vì vừa nhận hồ sơ vừa đối diện với nỗi lo NV “ảo” và nguy cơ “vỡ trận” ngày cuối cùng thay đổi NV.
 
Bộ GD&ĐT đã đưa ra khuyến cáo TS cân nhắc kỹ trước khi thay đổi NV xét tuyển và không nên để đến ngày cuối cùng mới thay đổi, song lời khuyến cáo ấy xem ra không hóa giải được nỗi lo từ phía thí sinh, nên nguy cơ “ảo” và “vỡ trận” vẫn thường trực. Còn vài ngày nữa mới hết thời gian thay đổi NV, lượng thí sinh đến điều chỉnh NV vẫn tiếp tục tăng và các trường vẫn nơm nớp ôm hai nỗi lo của mùa tuyển sinh 2017. Sợi dây kinh nghiệm rút mãi không hết có lẽ vẫn là chuyện “khó gỡ” của ngành giáo dục mỗi mùa tuyển sinh.
 
Theo Hà Vân/Công luận