(BVPL) - Phân tích của Tiến sĩ Henry O'Lawrence tại Hội thảo InSITE 2017 mới đây cũng như mô hình số hóa thành công đang được áp dụng tại RMIT Việt Nam, sẽ cho các nhà hoạch định chính sách cũng như những người làm công tác giáo dục cái nhìn mới trong chuẩn bị nguồn nhân lực tạo được lợi thế cạnh tranh cho quốc gia trong kỷ nguyên số hiện nay.

 


Môi trường học số hóa tại RMIT Việt Nam


Không đứng ngoài xu hướng số hóa mạnh mẽ chịu ảnh hưởng từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Đại học RMIT Việt Nam cũng đã áp dụng nhiều sáng kiến và hoạt động giúp sinh viên “đắm mình” vào công nghệ càng nhiều càng tốt để chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai.


Từ cuối năm ngoái, trường đã dần chuyển đổi gần 20 ngàn sách giáo khoa giấy sang định dạng trực tuyến, đồng thời khuyến khích sinh viên khai thác tối đa nguồn tư liệu trực tuyến với hơn 300 dữ liệu, 300 ngàn sách điện tử và 120 ngàn tài liệu nghiên cứu mà các em có thể truy cập bất kỳ lúc nào, từ bất cứ đâu.
Hiệu trưởng Đại học RMIT Việt Nam Giáo sư Gael McDonald cho biết: “Ưu tiên của chúng tôi là quảng bá và hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật số cũng như nội dung học liên quan đến các ngành nghề, và trải nghiệm học tập gắn liền với công việc thực tế. Năm ngoái, chúng tôi đã chuyển 17 môn học trọng tâm thuộc các ngành học lớn sang hình thức học tích hợp, đảo ngược và truyền tải theo hình thức trực tuyến hoàn toàn. Trường còn đầu tư vào không gian học mới – phòng Thực hành thực tế ảo nhằm xây dựng khả năng ứng dụng và sử dụng tăng cường thực tế ảo (AR) cũng như thực tế ảo (VR) cho sinh viên”.


Giáo sư nhấn mạnh rằng ứng dụng kỹ thuật số là quy chuẩn của mọi môn học được giảng dạy tại RMIT: “Sinh viên truy cập vào hệ thống quản lý học tập trực tuyến để hoàn tất bài tập cũng như xem thông tin về tiến độ, quy trình học của mình. Giảng viên cũng ứng dụng nhiều công nghệ giúp sinh viên có được những trải nghiệm học vươn xa khỏi phạm vi giảng đường”.


Dự án lớp học “xuyên lục địa” là một trong những ví dụ điển hình cho hoạt động này. Tận dụng ứng dụng Skype và mạng xã hội, 27 sinh viên ngành Marketing tại RMIT Việt Nam đã cùng học, cùng làm dự án kéo dài bốn tuần với nhóm 20 sinh viên ngành tài chính và kinh tế từ Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam. Cô Jis Kuruvilla, giảng viên Khoa Thương mại và Quản trị và là người điều phối dự án, chia sẻ: “Thay vì nghe từ giảng viên hay đọc các ví dụ thực tiễn, dự án COIL – Hợp tác học tập trực tuyến quốc tế đã đưa trải nghiệm học toàn cầu đến với các em ngay trong lớp học”.

 

Lê Thúy

.