(BVPL) - Những năm gần đây việc giáo dục chủ quyền biển đảo trong trường học đã được một số địa phương quan tâm triển khai dạy lồng ghép vào các môn Địa lý và Lịch sử. Tuy nhiên, việc dạy và học này vẫn mang tính tự phát và mò mẫm vì thiếu các tài liệu được tích hợp đầy đủ cho việc giảng dạy. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc việc giáo dục chủ quyền biển đảo trong trường học phải được triển khai đồng bộ, chính khóa.
Mới đây, trong Hội thảo khoa học “Văn hóa biển đảo nguồn lực phát triển bền vững và giáo dục chủ quyền biển đảo trong trường học” được tổ chức tại TP. Nha Trang tỉnh Khánh Hòa, nhiều GS, PGS.TS về lịch sử cho rằng, việc đưa giáo dục chủ quyền biển đảo vào trường học là việc rất cần thiết và cần phải làm một cách bài bản. Cũng có những ý kiến tham luận trong hội thảo này cho rằng, việc giáo dục chủ quyền biển đảo trong trường học là chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra trong bối cảnh tranh chấp biển Đông đang là vấn đề nóng không chỉ của các nước có liên quan mà đã trở thành vấn đề quốc tế.
Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh) hiện hệ thống giáo dục từ cấp quốc gia đến địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề giáo dục chủ quyền biển đảo. Đối với giáo dục cấp quốc gia, năm 2012 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường cập nhật kiến thức biển đảo vào bài giảng “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biên giới quốc gia” thuộc lớp 11; Các trường, trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh (GDQP – AN) cập nhật kiến thức “Biển đại dương và chủ quyền biển đảo Việt Nam” vào bài giảng “Xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia”. Bên cạnh đó, trong đề thi tuyển sinh cao đẳng – đại học năm 2013 và năm 2014 đều có câu hỏi về vấn đề biển đảo và chủ quyền biển đảo...
Đối với giáo dục cấp địa phương, nhiều tỉnh, thành đã đưa giáo dục biển đảo vào giảng dạy ở TP. Đà Nẵng, từ tháng 3/2015 đã chính thức đưa bài học “Lịch sử Đà Nẵng, lịch sử chủ quyền Hoàng Sa” vào phần lịch sử địa phương trong lịch sử chính khóa ở hai cấp là: THCS (7 bài), THPT (4 bài). Còn tại Khánh Hòa, các giáo viên, cán bộ chủ chốt của các Phòng Giáo dục, Trung tâm GDTX trên toàn tỉnh đều được tập huấn ngoại khóa về chủ quyền biển đảo nhằm truyền đạt lại cho học sinh những kiến thức cơ bản và bổ ích nhất…
Theo TS. Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó Chủ tịch Hội Sử học Khánh Hòa thì việc giáo dục chủ quyền biển cho học sinh từ trong trường phổ thông là một trong những biện pháp chiến lược. Các em phải được giáo dục, cung cấp thông tin để có kiến thức, cũng như kỹ năng kế thừa truyền thống yêu nước, yêu biển đảo quê hương có đủ bản lĩnh làm chủ, khai thác và thực thi chủ quyền đất nước. Hiện nay, trong các môn học về chủ quyền biển đảo thì môn Lịch sử có nhiều ưu thế để giáo dục nội dung này. Nhưng hạn chế là chương trình sách giáo khoa môn Lịch sử hiện nay, nội dung kiến thức về giáo dục biển đảo còn khá tản mạn. Tài liệu tham khảo về chủ quyền biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa rất phong phú nhưng do chưa có sự thống nhất trong nội dung giảng dạy nên giáo viên và học sinh còn gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế, không chỉ ở bậc THPT mới gặp khó trong việc giáo dục chủ quyền bởi chưa có sự thống nhất về nội dung giảng dạy mà ở các bậc học khác cũng gặp phải vấn đề này. Đến nay, Bộ GD&ĐT chưa xây dựng được giáo trình và những tiết học chính khóa bắt buộc cho các cấp học về vấn đề chủ quyền biển đảo. Chính vì vậy mà ở hầu hết các trường nếu có giảng dạy nội dung về chủ quyền biển đảo đều dạy theo hình thức lồng ghép vào môn Lịch sử và Địa lý. Một số trường lại chọn cách phát động các chương trình sinh hoạt ngoại khóa, các chương trình tìm hiểu về chủ quyền biển đảo để cập nhật đến học sinh, sinh viên những kiến thức pháp lý về chủ quyền cũng như tiềm năng biển đảo của nước ta.
Trở lại với Hội thảo khoa học về “Văn hóa biển đảo nguồn lực phát triển bền vững và giáo dục chủ quyền biển đảo trong trường học” được tổ chức nhân dịp Festival biển Nha Trang 2015, nhiều ý kiến trong hội thảo cho rằng không có lý do gì khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang nỗ lực để bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà lại để tầng lớp học sinh, sinh viên thiếu kiến thức về vấn đề này. Trong nhiều năm xây dựng, tìm kiếm, chúng ta đang có một kho tư liệu khổng lồ để chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vậy tại sao những tư liệu đó lại không được chắt lọc để đưa vào chương trình giảng dạy chính khóa cho học sinh, sinh viên.
Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành Giáo dục cần quan tâm hơn nữa để đưa các vấn đề về lịch sử cũng như pháp lý trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo vào hệ thống giáo dục chính khóa. Làm được như vậy, học sinh, sinh viên mới đủ kiến thức cũng như bản lĩnh để tiếp nhận vận mệnh, tương lai của đất nước nhất là trong bối cảnh tranh chấp biển Đông đang là vấn đề nóng không chỉ là hiện nay mà có thể là đến mai sau.
Xuân Nha