Thông tin từ Vụ giáo dục tiểu học – Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có 3014 trường đăng ký triển khai nhân rộng toàn phần mô hình trường học mới (VNEN) năm học 2016-2017 (tăng hơn 900 trường so với năm học 2015-2016).

 


Trong khi một số địa phương (Hà Giang, Hà Tĩnh, Nghệ An) có tình trạng dừng áp dụng mô hình VNEN hoặc dừng nhân rộng VNEN (như báo chí đã phản ánh) thì trên phạm vi toàn quốc, con số cập nhật của Vụ GD tiểu học (tính đến ngày 30/8/2016) cho biết số trường áp dụng mô hình VNEN trong năm học 2016-2017 tiếp tục tăng.

Cụ thể, ngoài các trường trong dự án, cả nước có 3014 trường đăng ký triển khai nhân rộng toàn phần mô hình VNEN năm học 2016-2017 (tăng hơn 900 trường so với năm học 2015-2016).

Nơi có số trường nhân rộng toàn phần năm học mới 2016-2017 tăng nhiều là: Hà Nam tăng 116 trường, Bạc Liêu 78 trường, Thái Bình 67 trường, Bắc Ninh 51 trường, Sóc Trăng 48 trường, Phú Thọ 43 trường, An Giang 33 trường, Tiền Giang 29 trường, Đắc Nông 28 trường…

Ngoài ra, hơn 2700 trường tiểu học trong cả nước đăng ký áp dụng từng phần mô hình VNEN.

Trước đó, Bộ trưởng GD&ĐT đã có gửi công văn tới các địa phương về mô hình VNEN. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương chủ động nghiên cứu, lựa chọn các thành tố tích cực của mô hình VNEN để bổ sung vào phương thức giáo dục đang áp dụng; đồng thời tự chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục ở địa phương mình.

Bộ GD&ĐT vẫn khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình VNEN tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh.

Những cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình VNEN có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.

Bên cạnh đó, địa phương các cơ sở giáo dục tiếp tục chủ động nghiên cứu đổi mới, sáng tạo trong tổ chức dạy và học; áp dụng những mô hình giáo dục tiên tiến khác phù hợp điều kiện thực tiễn.
 

Theo Dân trí

.