Dù tuyển sinh có sôi động, là vấn đề lớn của xã hội nhưng “đầu vào” vẫn khiến các trường ĐH, CĐ đau đầu khi số trường tăng nhanh mà nguồn tuyển lại không như mong muốn…
Đỏ mắt tìm người học
Ông Vũ Văn Hóa - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - than thở: ngày nào trường cũng cử đủ hàng chục cán bộ tuyển sinh để nhận hồ sơ, nhưng thí sinh đến nộp vô cùng thưa thớt. Sau đợt 1, trường còn đến 4.000 chỉ tiêu ĐH.
Kết thúc đợt 2 cũng chỉ có thêm 1.000 hồ sơ, trong khi tỉ lệ ảo khó kiểm soát vì thí sinh được cùng lúc nộp hồ sơ đến ba trường.
Nhưng con số tuyển sinh của Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội vẫn là ước mơ với nhiều trường. Không ít cơ sở chỉ tuyển được 20-30% chỉ tiêu, thậm chí có trường không tuyển nổi... 40-50 sinh viên mới hệ chính quy/năm cho tất cả các ngành đào tạo.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy năm 2014, Trường CĐ Công nghiệp in (Hà Nội) chỉ tuyển mới được 37 sinh viên CĐ chính quy, Trường CĐ Đại Việt (Bắc Ninh) tuyển được khoảng 30 sinh viên, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật công thương (Thanh Hóa), Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Điện Biên (Điện Biên), Trường CĐ Cộng đồng Hải Phòng... cũng đang trong tình trạng tương tự.
Song không chỉ CĐ, nhiều trường ĐH cũng “sống dở chết dở” khi tình hình tuyển sinh ngày càng ảm đạm. Theo Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ GD-ĐT, năm 2014 Trường ĐH Đông Đô (Hà Nội) thông báo tuyển 1.600 chỉ tiêu ĐH chính quy, nhưng cuối cùng chỉ tuyển được... 95 chỉ tiêu; Trường ĐH Nguyễn Trãi (Hà Nội) có 600 chỉ tiêu ĐH, nhưng tuyển được chưa đến 200; Trường ĐH Kinh Bắc (Bắc Ninh) có 1.400 chỉ tiêu ĐH, nhưng tuyển chưa đầy 400; Trường ĐH Chu Văn An (Hưng Yên) đăng ký 650 chỉ tiêu ĐH, nhưng chỉ tuyển mới chưa đầy 80 sinh viên ĐH chính quy; Trường ĐH Dầu khí (Vĩnh Phúc) tuyển mới chưa được 70 sinh viên; Trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) chỉ vớt vát được 72 tân sinh viên; Trường ĐH Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Trường ĐH Tân Tạo (Long An) cũng chưa đầy 150 sinh viên ĐH mới...
Liên tục phải tuýt còi
Thực tế, khó khăn tuyển sinh liên quan trực tiếp đến quy mô đào tạo, nguồn thu, ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển của nhà trường. Điều này làm nảy sinh nhiều kiểu vơ vét nguồn tuyển bằng mọi giá, giành giật thí sinh bằng mọi cách, bất chấp các quy định của Bộ
GD-ĐT.
Nhiều năm liền, một số trường mách nhau cách bắt tay với trường THPT xin thông tin của thí sinh để gửi giấy báo trúng tuyển, tặng “hoa hồng” cho người giới thiệu thí sinh đến trường nộp hồ sơ, kể cả thí sinh không đăng ký xét tuyển vào trường vẫn nhận được giấy báo trúng tuyển...
Mùa tuyển sinh 2015 chứng kiến một số trường “vượt rào” không cần chờ thời gian xét tuyển, thí sinh đến nộp hồ sơ là cấp luôn giấy trúng tuyển, khiến Bộ GD-ĐT phải ra văn bản “tuýt còi”. Từ đầu tháng 8, khi thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Xây dựng miền Tây đã nhận ngay giấy báo công nhận trúng tuyển, nhưng trên văn bản trường cố hợp thức hóa bằng cách lùi ngày ra đời văn bản đến... 21-8.
Trong khi đó, quy định chính thức của Bộ GD-ĐT phải đến ngày 20-8 mới kết thúc việc nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1. Tuy nhiên, dù Bộ GD-ĐT đã có công văn cảnh báo, nhưng sau Trường ĐH Xây dựng miền Tây vẫn có những trường khác thực hiện chiêu thức này với lý do “trường còn thiếu đến cả ngàn chỉ tiêu, điểm sàn là điểm đỗ, cớ sao bắt thí sinh ở xa đi lại vất vả, khó khăn?”.
Có trường không cần thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vẫn cấp giấy báo trúng tuyển. Cuối tháng 7-2015, giấy báo trúng tuyển được Trường CĐ Lê Quý Đôn (Đồng Nai) cấp cho thí sinh trước thời hạn bắt đầu đợt xét tuyển đầu tiên, và thậm chí còn trước cả thời điểm Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi THPT quốc gia, khi thí sinh chưa biết mình có đủ điều kiện tốt nghiệp THPT hay không...
Trước đó, cuối năm 2014, Trường ĐH Công nghệ và quản lý Hữu Nghị (Hà Nội) đã bị Bộ GD-ĐT tạm ngừng tuyển sinh các ngành đào tạo, vì cú liều rúng động khi công nhận trúng tuyển với cả thí sinh không có... giấy chứng nhận kết quả thi!
Năm 2013, trường chỉ tuyển được 14 sinh viên hệ ĐH chính quy ngành quản trị kinh doanh, nhưng trong đó có đến 1/3 hồ sơ không có giấy chứng nhận kết quả thi. Còn tính cả năm khóa tuyển sinh của trường (từ năm 2009 đến thời điểm các đoàn kiểm tra vào cuộc), tổng số thí sinh trúng tuyển chỉ là 596 sinh viên (gồm cả ĐH, CĐ, chính quy và liên thông), nhưng số đào tạo thực tế chỉ còn 465 sinh viên (131 sinh viên đã thôi học).
Tìm lối ra
Tuyển sinh khó khăn khiến nhiều trường ĐH, CĐ gần như hoạt động cầm chừng, với quy mô đào tạo teo tóp dần mà vẫn chưa thể tìm thấy lối ra.
Theo Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ GD-ĐT, có những trường ĐH, CĐ quy mô sinh viên toàn trường, từ năm đầu cho đến năm cuối, từ chính quy đến vừa học vừa làm không đến... 500 sinh viên. Năm 2014, Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Hà Nội, Trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam), Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn (TP.HCM)... đều chỉ có quy mô đào tạo chưa đến 400 sinh viên chính quy.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - phân tích: chỉ tiêu tuyển sinh mà trước đây Bộ
GD-ĐT duyệt cho các trường, và nay là các trường đăng ký với bộ nghe có vẻ khoa học khi dựa vào số lượng giảng viên, rồi điều kiện cơ sở vật chất... song hoàn toàn không liên quan gì đến nhu cầu thật sự của nền kinh tế, không gắn với câu trả lời nền kinh tế thực tại cần bao nhiêu người trình độ ĐH, CĐ, trung cấp, bao nhiêu người qua đào tạo nghề...
“Giải pháp trước hết là phải tuân thủ theo mạng lưới quy hoạch các trường ĐH, CĐ của Thủ tướng Chính phủ. Không thể nào cứ nể nang để tiếp tục duyệt mở trường, nâng cấp trường tràn lan được nữa. Bộ GD-ĐT, Bộ Kế hoạch - đầu tư phải cùng phối hợp để tính toán lại chiến lược phát triển nguồn nhân lực, trên cơ sở đánh giá đúng nhu cầu nhân lực nhằm xác định chỉ tiêu đào tạo sau này. Riêng với các trường đã ra đời thì chỉ còn cách để thị trường chọn lọc. Trường nào, ngành đào tạo nào được xã hội đánh giá tốt thì tiếp tục tuyển sinh, nhưng với chỉ tiêu đúng thực tế hơn. Còn các trường nhỏ, yếu, chưa được xã hội chấp nhận thì phải thay đổi chương trình đào tạo, giảm quy mô đào tạo hoặc sáp nhập lại với các trường tương tự” - GS Thuyết nhấn mạnh.
Trường công cũng khó
Không chỉ ĐH ngoài công lập, một số trường ĐH công lập cũng ngày càng khó khăn trong hoạt động, phát triển. Mới đây, dư luận lùm xùm quanh vụ có doanh nghiệp đề nghị “mua” lại Trường ĐH An Giang - một trường ĐH địa phương đã ra đời được hơn chục năm.
Theo các chuyên gia, những tranh cãi quanh việc giữ Trường ĐH An Giang như mô hình cũ để địa phương “rót” ngân sách hay chuyển dần sang cổ phần hóa, xét đến cùng chính là “hệ quả đau đớn của một thời kỳ mở quá nhiều trường công, mà không có suy xét cân đối với thực tại nền kinh tế, không tham khảo cách đầu tư cho giáo dục ĐH các nước”.
Một chuyên gia giáo dục từng là lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT thẳng thắn cho rằng trước khi muốn “đẩy” trường ĐH này về Bộ GD-ĐT hay chuyển cho doanh nghiệp đầu tư như ý tưởng của địa phương, thì chính địa phương cũng phải “tự soi lại mình”.
“Khi trường mới thành lập, tôi nhớ chính tỉnh An Giang cam kết sẽ xây dựng một trường ĐH địa phương do chính quyền địa phương, cộng đồng địa phương “nuôi”, mà không sử dụng ngân sách trung ương. Đến nay, sau 15 năm thành lập, tỉnh không thực hiện nổi cam kết này và thậm chí định “gửi gắm” giao về cho Bộ GD-ĐT. Điều này là không được vì ngay từ đầu, Bộ GD-ĐT đâu có đứng ra thành lập trường.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế: ngân sách công eo hẹp không thể gánh mãi việc đầu tư cho các đơn vị sự nghiệp công lập - trong đó có cả các cơ sở giáo dục ĐH lâu nay vẫn được cho là lĩnh vực “nhạy cảm”- mà không cần biết các đơn vị này hoạt động có hiệu quả hay không. Nếu nguồn thu của trường chỉ đáp ứng 30% chi phí hoạt động, số còn lại dựa vào ngân sách tỉnh thì làm sao ngân sách gồng gánh mãi được?” - nguyên lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT phân tích.
Theo tuoitre.vn