Bộ GD-ĐT cho biết, thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2015 chỉ xét tốt nghiệp hay không chứ không đánh giá xếp loại tốt nghiệp (giỏi, khá, trung bình). Nhiều em học sinh cho rằng quyết định của Bộ GD-ĐT là hợp lý, giảm áp lực cho HS.

 


Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 thực hiện 2 nhiệm vụ, vừa xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ nên không thể lấy kết quả đó để đánh giá tốt nghiệp. Công thức tính kết quả để xét tốt nghiệp sẽ không khác so với năm 2014, nghĩa là 4 môn thi tốt nghiệp chiếm 50% và kết quả học tập lớp 12 chiếm 50%. Nhiều ý kiến của HS đồng tình với phương án này, bởi bằng tốt nghiệp THPT không thể hiện hết năng lực học tập suốt 3 năm, việc xếp loại tốt nghiệp THPT sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của các em.

Em Nguyễn Thế Sung, HS lớp 12A10, Trường THPT Minh Đạm (huyện Long Điền) tỏ ra hơi tiếc vì suốt 3 năm học vừa qua em đã nỗ lực, phấn đấu để mong muốn đạt được tấm bằng tốt nghiệp THPT loại giỏi. Thế nhưng, em vẫn thích phương án của Bộ GD-ĐT khi bỏ xếp loại tốt nghiệp THPT. “Bỏ xếp loại tốt nghiệp THPT giúp em có nhiều thời gian để tập trung đầu tư vào các môn mà các trường đại học, cao đẳng sẽ xét tuyển. Điều này, còn giảm áp lực học tập cho HS”, Sung bày tỏ.

Cùng ý kiến với Sung, em Phạm Văn Ngọc Sơn, HS lớp 12A1, Trường THPT Phú Mỹ (huyện Tân Thành) cũng cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia năm nay bỏ xếp loại tốt nghiệp là hợp lý. Sơn giải thích thêm, kỳ thi này giải quyết 2 nhiệm vụ, vừa xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ nên đề thi sẽ khó hơn các năm trước để tạo sự phân hóa giữa các thí sinh. Hơn nữa, nếu xếp loại mà chỉ dựa vào bài thi tốt nghiệp THPT như các năm trước là không công bằng và không đánh giá hết năng lực học tập của HS. Sơn giả định: “Nhiều bạn 3 năm THPT học rất giỏi. Nhưng vào ngày thi tốt nghiệp, các bạn gặp một số vấn đề về sức khỏe, tâm lý... nên làm bài không tốt, cuối cùng xếp bằng tốt nghiệp loại trung bình là không công bằng, chưa đánh giá hết năng lực của người học”.

Trong khi đó, phụ huynh lại có ý kiến trái chiều, không ít người cho rằng, bỏ xếp loại tốt nghiệp THPT sẽ không tạo được động lực phấn đấu cho HS học tập, khiến các em học lệch môn dẫn đến có sự phân biệt giữa môn học chính và môn phụ. Dù vậy, hầu hết HS lại không đồng tình với quan điểm này. Em Võ Thị Hải Yến, HS lớp 12A2, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn cho biết, mỗi HS có một sở trường, năng lực học tốt ở một số môn học nhất định. Hơn nữa, mục đích cuối cùng của các em hướng đến là vào các trường ĐH, CĐ. Vì thế, không nên học dàn trải nhiều môn chỉ vì để lấy tấm bằng tốt nghiệp THPT loại giỏi. “Em không coi trọng bằng tốt nghiệp THPT loại gì, mà em chỉ quan tâm đến mục tiêu vào ĐH. Hiện tại, em đang tập trung học các môn thi ĐH, còn các môn học khác thì em chỉ học theo chuẩn kiến thức theo quy định của Bộ GD-ĐT”, Yến cho biết thêm.

Không những HS, mà GV, Ban giám hiệu các trường THPT cũng ủng hộ chủ trương bỏ xếp loại tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT. Ông Nguyễn Huy Phụng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Châu Đức) cho biết, nhà trường đã giao nhiệm vụ cho các GV dạy khối lớp 12 phải thường xuyên tư vấn, giúp đỡ HS chọn môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. GV sẽ tư vấn cho HS chọn những môn học mà các em có thế mạnh để đăng ký dự thi, vừa xét tốt nghiệp và lấy kết quả này dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ, giúp các em không phải học ôm đồm quá nhiều môn. Ông Phụng nói thêm: “Bỏ xếp loại tốt nghiệp THPT sẽ giảm áp lực học tập cho HS. Các em không cần bỏ ra thời gian để học nhiều môn chỉ vì tấm bằng tốt nghiệp THPT. Mục tiêu cuối cùng các em hướng đến là vào ĐH, CĐ. Vì thế, chỉ nên tập trung vào học những môn mà HS xác định dùng kết quả của môn thi đó để dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ”.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.