“Tôi đã nghe nhiều người nói gọi bậc ĐH của chúng ta là cấp 5. Cấp 4 là lúc các em đổ đến lò luyện thi. Chúng ta giáo dục nặng về kiến thức lý thuyết chứ chưa chú trọng năng lực”.
 
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong hội nghị quán triệt Nghị quyết 29 lần thứ 8 Ban chấp hành TW khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo diễn ra tại TPHCM ngày 6/1.
 
Giáo dục như tòa nhà cao tầng không liên thông
 
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, không thể phủ nhận chất lượng giáo dục có tiến bộ nhưng là so với bản thân nó trước đây. Còn với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với mong muốn của thầy và trò, của phụ huynh, xã hội thì còn lâu.
 
Hạn chế nổi cộm nhất là hệ thống giáo dục còn cứng nhắc, thiếu tính liên thông giữa các trình độ đào tạo và các phương thức giáo dục. Bộ trưởng ví von: "Hê thống giáo dục như tòa nhà cao tầng (từ mầm non đến thạc sĩ, tiến sĩ), lẽ phải có lối đi liên thông trong tất cả các tầng, nhưng hiện tại chúng ta muốn đi từ tầng 2, tầng 3 lên tầng 4, tầng 5 phải đi xuống tầng 1”.

 

Trao đổi với giảng viên, cán bộ Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ ra giáo dục chúng ta còn nhiều bất cập, bậc đại học giống như... cấp 5.
Trao đổi với giảng viên, cán bộ Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ ra giáo dục chúng ta còn nhiều bất cập, bậc đại học giống như... cấp 5.
 
Ngoài ra, chương trình còn coi nhẹ thực hành coi nhẹ vận dụng kiến thức, nặng về lý thuyết, hàn lâm, không gắn với thực tiễn, không gắn với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, không chỉ ở phổ thông mà ở cả ĐH.
 
Về chất lượng đội ngũ nhà giáo được cải Thiện, theo ông Luận mới chủ yếu cải thiện về bằng cấp của thầy cô và quản lý giáo dục. Nhiều địa phương báo cáo tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và vượt chuẩn rất cao, nhưng trình độ thật của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, bao gồm trình độ nghiệp vụ, chuyên môn và phẩm chất đạo đức, vẫn chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục. Hay nói một cách dễ hiểu là đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn bằng cấp nhưng chưa đạt chuẩn nghề nghiệp chuyên môn.
 
Tư lệnh ngành giáo dục cũng đề cập có nhiều vấn đề bức xúc được phát hiện từ lâu, đưa ra nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa giải quyết được như dạy thêm học thêm tràn lan, lạm thu, bạo lực học đường...
 
Thiết kế chương trình chậm 30 - 40 năm
 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, cách thiết kế chương trình và cách dạy, cách học của chúng ta hiện nay giống như của các nước khác cách đây 30-40 năm trở về trước.
 
Cách thiết kế này ngày càng dồn ép khối lượng lớn kiến thức vào nhà trường, dồn từ bậc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ xuống đến trường tiểu học... và dẫn đến quá tải.

 

Cách dạy học và thi cử nặng về điểm số lâu nay gây áp lực lớn cho người học.
Cách dạy học và thi cử nặng về điểm số lâu nay gây áp lực lớn cho người học.
 
Còn cách dạy và học trong nhà trường (cả phổ thông và ĐH) về cơ bản là vẫn theo công thức thầy truyền thụ và giảng giải kiến thức, trò tiếp nhận và ghi nhớ kiến thức thầy trao cho.
 
Dạy học như vậy cộng hưởng với cách thi, cách đánh giá học sinh sinh viên - ai nhớ nhiều, học thuộc nhiều, đưa đúng đáp số thì điểm cao - đã làm cho tình trạng quá tải, nhồi nhét, dạy thêm học thêm tràn lan có đất phát triển.
 
Đến nay, nền giáo dục của chúng ta đã trải qua 3 lần cải cách, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, cả 3 lần cái cách đều chưa thay đổi được quan điểm chỉ đạo của việc thiết kế mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục. Đặc biệt là chưa thay đổi được phương pháp dạy, phương pháp học và phương pháp kiểm tra, thi cử và đánh giá.
 
Việc đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện lần này theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, rất cấp bánh, gấp rút nhưng cũng không được hấp tấp để khắc phục những hạn chế. 
 
Giáo dục sẽ đổi mới theo hướng nếu trước đây việc truyền thụ kiến thức là mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của giáo viên thì bây giờ việc truyền thụ kiến thức là phương tiện, là con đường để giúp học sinh, sinh viên từng bước hình thành phẩm chất, năng lực con người mới. 
 
Trao đổi với cán bộ ngành giáo dục của TPHCM, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, ngay sau khi Đại hội Đảng lần thứ XI kết thúc, Bộ GD-ĐT đã chủ động cùng với Ban Tuyên giáo TW và nhiều cơ quan khác của Đảng và Nhà nước tiến hành xây dựng và hoàn thiện nhiều lần bản Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chứ không có việc chương trình được thực hiện gấp rút trong 5 - 7 tháng.
 
Việc đổi mới sách giáo khoa ở phổ thông, Bộ đã nghiên cứu 45 bộ giáo trình phổ thông của các nước trên thế giới, trong đó nhiều nước có điều kiện kinh tế, xã hội, lịch sử tương đồng với Việt Nam.

 

Theo Dân trí