Những năm trước, thời gian này, thầy cô và thí sinh đang tập trung dạy học, ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia. Năm nay dù đã bước sang gần giữa tháng 4, quỹ thời gian dành cho năm học 2019-2020 không còn nhiều nữa nhưng học sinh vẫn nghỉ học để phòng dịch bệnh COVID-19.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020. Hiện tại, Bộ GD-ĐT đang xây dựng phương án thi THPT Quốc gia 2020 để phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19.
|
|
Thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia. |
Thực tế, học sinh các cấp đã nghỉ học hơn 2 tháng nay. và Bộ GD-ĐT cũng đã hai lần điều chỉnh khung thời gian kế hoạch năm học với cách thức thi THPT đủ 9 môn như mọi năm.
Theo đó, phương thức dạy học online được triển khai, đây là giải pháp tình thế nhằm giúp các em học sinh nắm kiến thức, kịp chương trình. Tuy cũng còn nhiều khó khăn như ở vùng cao, trở ngại trong việc học sinh tiếp cận Internet; Việt Nam chưa có một phần mềm học trực tuyến nào đúng nghĩa và thực sự ổn định; Không phải ai cũng đủ điều kiện để lắp mạng và đầu tư thiết bị; Không phải ai cũng tiếp cận được việc học trực tuyến…
Dù Việt Nam đang làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, được nhiều nước trên thế giới khen ngợi nhưng trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, việc học sinh đi học trở lại đang rất mập mờ.
Nhận thấy tình hình dịch bệnh như vậy, nhiều trường đại học công cố phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT. Tuy nhiên, bỏ hay giữ kỳ thi THPT quốc gia không phải muốn là làm được ngay vì liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó phải cân nhắc đến vấn đề luật và nguồn lực quốc gia.
|
|
TS Lê Viết Khuyến. Ảnh: Q.Q |
Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng, dựa vào tình hình thực tế, Bộ GD&ĐT cần có nhiều phương án đặt ra đối với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 nhưng vào thời điểm này, Bộ chưa nên vội nói chuyện bỏ thi, dẫn tới tâm lý học sinh buông không học.
Một số nước bỏ kỳ thi THPT Quốc gia và giao cho địa phương công nhận tốt nghiệp, bởi họ có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông rất tốt, còn ở ta, còn bệnh thành tích, để địa phương tự quyết định sợ không đảm bảo công bằng, dễ phát sinh tiêu cực.
Trong tình huống có thể ta vẫn nên giữ kỳ thi THPT Quốc gia. Trong trường hợp bất khả kháng, dịch bệnh vẫn kéo dài, biện pháp cách ly xã hội còn chưa được dỡ bỏ nên thí sinh không thể đến điểm thi, thì mới nên thay thế thi bằng một phương án công nhận tốt nghiệp phù hợp.
Theo TS Khuyến, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có tính toán phù hợp, vì vậy, người học phải quyết tâm học, không nên thụ động ngồi chờ khi nào bỏ thi. Vẫn có thể tổ chức thi THPT Quốc gia nhưng năm nay đề thi nên giảm mạnh phần câu hỏi nâng cao, chỉ tập trung thi các nội dung cơ bản. Các nội dung học kỳ II không học thì không đưa vào đề thi. Học sinh học được đến đâu thi đến đó.
Gia đình và xã hội cần cố gắng động viên các em để dù dịch phải nghỉ đến trường nhưng học sinh không nghỉ học; các địa phương cũng cần quan tâm để chọn giải pháp phù hợp, đảm bảo việc dạy học từ xa. Nếu thấy dạy qua internet không hiệu quả thì phải chuyển sang dạy trên truyền hình. Bộ GD-ĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông phải khẩn trương đưa các chương trình của tất cả các cấp học phổ thông lên mạng lưới truyền hình của cả nước, như đã cam kết.
“ Luật Giáo dục đại học quy định việc tuyển sinh là quyền của các trường đại học. Các trường có thể tổ chức thi hoặc chỉ dựa vào xét tuyển, hay kết hợp thi và xét tuyển... Năm nay, trường ĐH Bách Khoa đã tiên phong trong việc tổ chức thi riêng. Trong các năm trước đây nhiều trường đã áp dụng phương án xét tuyển để tuyển sinh” - TS Lê Viết Khuyến chia sẻ.