Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết sẽ không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng sẽ không thi như hiện nay.

 


Trên 17.500 học sinh trượt tốt nghiệp

Theo tỷ lệ đỗ tốt nghiệp mà Bộ GD-ĐT công bố, năm nay, có 17.586 thí sinh (bao gồm 8.043 thí sinh giáo dục THPT và 9.543 thí sinh GDTX) không đỗ tốt nghiệp.

Bộ GD-ĐT nhận định kỷ cương trường thi và kỷ luật phòng thi được tăng cường tại các Hội đồng coi thi trên phạm vi toàn quốc, những ngày thi đã diễn ra an toàn, trật tự, các hiện tượng tiêu cực và số thi sinh vi phạm quy chế bị kỷ luật đình chỉ thi giảm nhiều so với những năm trước. Đặc biệt tình trạng “phao thi” hầu như đã được khắc phục ở tất cả các Hội đồng coi thi, những hiện tượng tiêu cực nghiêm trọng như một vài năm trước đã không xảy ra.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, kết quả này phản ánh những điều chỉnh, đổi mới của kỳ thi năm nay đã có tác động tích cực, nâng cao chất lượng đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT. Thứ nhất, học sinh năm nay chỉ phải thi 4 môn, trong đó có 2 môn được tự chọn.  Điều này vừa giảm áp lực thi cử, vừa phát huy hứng thú và định hướng nghề nghiệp của các em học sinh;

Thứ hai, tất cả các môn học đều được tham gia để xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp. Trong đó, có 4 môn được đánh giá thông qua kỳ thi cấp quốc gia, các môn còn lại được đánh giá ở cấp trường; sử dụng kết quả thi 4 môn với kết quả học tập tất cả các môn của lớp 12 để xét tốt nghiệp. Kết quả học tập của HS được ghi nhận một cách toàn diện và liên tục hơn, học sinh tránh được những rủi ro có thể xảy ra trong kỳ thi;

Thứ ba, đề thi năm nay có yêu cầu cao hơn các năm trước: tăng cường các câu hỏi đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp để giải quyết vấn đề, giảm số câu hỏi chỉ yêu cầu ghi nhớ hay trả lời theo các khuôn mẫu có sẵn. Đề thi môn Ngữ văn có phần đọc hiểu và làm văn, đề thi môn Ngoại ngữ có phần viết và trắc nghiệm. Phần đọc hiểu trong đề thi môn Ngữ văn sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa; đề thi các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí đã gắn với thực tiễn đời sống chính trị xã hội và yêu cầu kiến thức liên bộ môn, đồng thời có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân, phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo và tình cảm, đạo đức của thí sinh. Đề thi như vậy đã yêu cầu sát hơn năng lực của người học.

Không bỏ thi tốt nghiệp

Trước tỷ lệ đỗ tiếp tục tăng cao, dư luận đặt câu hỏi liệu có bỏ thi tốt nghiệp THPT? Tuy nhiên, trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết sẽ không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng sẽ không thi như hiện nay mà phải thay đổi để kỳ thi phản ánh đúng năng lực của học sinh.

“Dư luận đặt vấn đề có nên duy trì một kỳ thi có nhiều áp lực, tốn kém mà tỷ lệ đỗ cao hay không, nhưng quan điểm của Bộ là kỳ thi tốt nghiệp để đánh giá năng lực học sinh sau quá trình dạy và học. Đã thi cử thì sẽ có áp lực, có tốn kém. Bộ không bỏ thi nhưng cố gắng để giảm những áp lực không cần thiết”.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội tâm lý Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, cho hay quan niệm bỏ thi tốt nghiệp là sai lầm. Vì đã học phải đánh giá, phải kiểm tra. Còn hình thức kiểm tra, đánh giá như thế nào thì chúng ta phải suy nghĩ. Không chỉ nhìn một khía cạnh để coi nhẹ việc kiểm tra, đánh giá.

Theo ông Lâm, không cần phải chờ đến SGK, CT mới mới đổi mới được kiểm tra, đánh giá. Mà chỉ cần làm nghiêm túc, thành nề nếp là thành công.
 

Theo Tổ Quốc