Trên hành trình đó, người dân phải là chủ thể, đóng vai trò quyết định, khi người dân có ý chí phấn đấu, thật sự nỗ lực thì chính họ sẽ vận dụng tối đa sức lao động, tư liệu sản xuất vốn có cùng với sự đồng hành của chính quyền địa phương thì công cuộc xóa đói, giảm nghèo sẽ đạt kết quả cao.
Quyết tâm thoát khỏi danh sách huyện nghèo vào năm 2025.
Là một trong 6 huyện nghèo của tỉnh và 62 huyện nghèo của cả nước, song những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các cấp trên địa bàn huyện Bá Thước đã chung tay nỗ lực phấn đấu đang từng bước vươn lên thoát nghèo, phấn đấu đến năm 2025 ra khỏi danh sách huyện nghèo và trở thành huyện khá trong khu vực miền núi của tỉnh.
Bá Thước có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, bởi vậy lãnh đạo huyện xác định phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài. Từ đó, huyện đã xây dựng chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bằng những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Năm 2023 được xác định là năm trọng tâm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong toàn huyện đang tích cực triển khai thực hiện kế hoạch giảm nghèo năm 2023. Trong nămqua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã xây dựng chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, đề ra các giải pháp thiết thực tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành mục tiêu giảm nghèo cho năm 2022, làm tiền đề để tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của tỉnh trong những năm tiếp theo và đến năm 2025 góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của cả giai đoạn.
|
|
Tuyến đường tới các bản cao nhất của Bá Thước được đầu tư góp phần phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số. |
Cùng với đó là tập trung cho Đề án phát triển nông lâm nghiệp, tập trung chỉ đạo hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tích cực và đúng hướng. Các chương trình, dự án được nhà nước hỗ trợ đầu tư đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, từng bước ổn định đời sống và vươn lên làm giàu.
Những giải pháp linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, bởi vậy tình hình kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo của huyện Bá Thước đạt những kết có quả tích cực. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất của huyện Bá Thước đạt 5.882 tỉ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 23,86%, cận nghèo 30,28%; đến nay có 3 xã và 82 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...
Phát huy tính chủ thể của người dân
Cùng với việc sử dụng tốt các nguồn lực từ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, huyện Bá Thước cũng chú trọng tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo phát huy tính tự chủ, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Đây được xem là giải pháp căn cơ, là điều kiện để giảm nghèo nhanh và bền vững.
Hiệu quả từ công tác tuyên truyền của các cấp các ngành cùng với phát huy truyền thống yêu nước, có ý chí vươn lên, tích cực tham gia phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức để vượt lên trên đói nghèo, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, ngày càng nhiều tấm gương về làm kinh tế giỏi được địa phương ghi nhận, ông Nguyễn Đình Hải (xã Điền Trung) là một ví dụ.
Thôn Trúc, nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều hạn chế. Để có ngôi nhà khang trang và khu vườn Thanh Long xen cây ăn quả, cây dược liệu bạt ngàn như của ông Hải là cả sự nỗ lực, tinh thần vượt khó không hề nhỏ.
|
|
Mô hình làm vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao trên mảnh đất khó của ông Nguyễn Đình Hải. |
Ông Nguyễn Đình Hải, người nổi tiếng về làm vườn ở Bá Thước. Được sự tuyên truyền vận động cũng như tạo điều kiện của các cấp, các ngành; với 1,5 ha đất vườn tạp, 1ha đất rừng, ông Hải đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Từ mô hình này, mỗi năm gia đình có doanh thu khoảng 500 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình ông Hải, đã từng bước vươn lên thoát nghèo và trở thành một trong những hộ nông dân điển hình trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương.
Trước đây, gia đình ông Hải cũng giống như bao gia đình thuần nông khác; chỉ thâm canh các loại cây lúa, cây ngô,... và chăn nuôi nhỏ lẻ nên cuộc sống hết sức khó khăn. Làm lụng vất vả quanh năm mà kinh tế vẫn không khá lên được. Mặc dù đang định cư ở huyện miền xuôi gần thành phố. Nhưng năm 1964, theo lời Đảng gọi, ông cùng gia đình lên xây dựng khu kinh tế mới và định cư tại miền núi xa xôi này.
Ông Hải cho biết: Với sản xuất nông nghiệp tập trung thâm canh 5 sào lúa hai vụ, hiệu quả rất thấp nhưng với diện tích này cùng với việc cải tạo vườn tạp; ông đã trồng trên 1,5 ha Thanh long ruột đỏ xen các loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao như: Mít, dổi lấy hạt, nhãn lồng, hồng xiêm, dừa xiêm, đu đủ đực lấy hoa... Dưới tán cây, ông còn trồng các loại cây dược liệu như cà gai leo, khôi nhung tía, xạ đen, ngải cứu… Ngoài ra, gia đình ông còn có hơn 1ha luồng; kết hợp nuôi ngan, gà, cùng trên 40 đàn ong...Ở nông thôn, nhất là miền núi, nơi có diện tích đất rộng là một nguồn lực quan trọng nhưng không phải là tất cả. Muốn làm giàu, cần phải chịu khó học hỏi để tìm cây, con phù hợp. Điều quan trọng nữa là phải biết đa dạng hoá các loại cây trồng, vật nuôi vì nếu chuyên một cây, con nào đó thì khi xảy ra dịch bệnh hoặc thay đổi về thị trường, người nông dân sẽ rất khó xoay sở.
Nhờ hiệu quả từ mô hình trên, ông đã tạo công ăn việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức thu 4,5 triệu/tháng; giải quyết lao động thời vụ cho hàng chục người. Với tấm lòng thơm thảo, ông cho người nghèo vay không lãi hàng trăm triệu đồng; đồng thời hỗ trợ cây con giống và hướng dẫn cách làm ăn cho người có hoàn cảnh khó khăn để cùng nhau thoát nghèo.
Không chỉ ông Hải, hiện nay trên khắp đất Bá Thước, đã có hàng chục mô hình làm kinh tế giỏi, vượt qua đói nghèo vươn lên làm giàu trên mảnh đất khó như: mô hình nuôi bò sinh sản tại các xã Điền Quang, Ái Thượng; mô hình trồng rau an toàn tại các xã Điền Lư, Thành Lâm, Lũng Cao; mô hình trồng rừng, kết hợp chăn nuôi tại các xã Thành Sơn, Cổ Lũng, Thiết Ống. Các mô hình này đã và đang được nhân rộng trong cộng đồng, theo hướng nông dân tự đầu tư, Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, năm 2023 và những năm tiếp theo, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và Nhân dân huyện Bá Thước sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Trước mắt, huyện đề ra kế hoạch tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 14,2%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 11%; công nghiệp - xây dựng tăng 16,2%; dịch vụ tăng 16,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 35.000 tấn; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 64,4%; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 18,91% (giảm 4,95% so với cùng kỳ); chú trọng đầu tư phát triển các khu du lịch trọng điểm của huyện, như: Khu du lịch Pù Luông, Khu du lịch sinh thái thác Hiêu; Khu du lịch Son - Bá - Mười; Khu du lịch thác Muốn. Đa dạng các sản phẩm du lịch, tăng cường truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch, đưa Bá Thước trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.