Em T.V.H, nạn nhân được giải cứu từ công ty lừa đảo ở Campuchia, sẻ chia: “Do không có công việc ổn định và không có bằng cấp, em vào mạng xã hội Facebook để tìm kiếm việc làm thì thấy thông tin tuyển dụng công việc chỉ bấm máy tính, thu nhập từ 20 đến 25 triệu đồng/tháng.

Khi em nhấn vô bình luận thì có một người đàn ông hỏi em muốn tìm việc phải không (?). Họ hỏi là em có biết bấm máy tính không thì em nói có biết. Liên quan đến các chuyên môn khác thì em không biết. Họ trấn an em rằng, qua đó em được người đào tạo và nhiều chế độ lương thưởng tốt”.

leftcenterrightdel
 CBCS hoàn tất thủ tục trao trả công dân.

Tuy nhiên, khi H. qua đó thì bị bọn chúng đưa vào sâu trong nội địa Campuchia và ép làm việc trong các công ty lừa đảo qua mạng.

Hàng ngày, bọn chúng thường yêu cầu H. và các người làm chung với anh phải giả mạo Công an địa phương, nhân viên ngân hàng, nhân viên công ty điện, nước thông báo chương trình trúng thưởng, hay cài các app tình yêu, hẹn hò, chát sex....

Cụ thể, đối tượng lừa đảo có thể giả mạo Công an địa phương yêu cầu người dân cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân hoặc đe dọa đang liên quan đến vụ án nghiêm trọng; đối tượng lừa đảo cũng có thể giả mạo nhân viên ngân hàng mời mở thẻ tín dụng, hỗ trợ chuyển tiền, giả danh nhân viên công ty điện nước đe dọa sẽ cắt điện nước.

Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn mạo danh các thương hiệu uy tín hoặc người thân, bạn bè gửi tin nhắn, email thông báo khách hàng được nhận thưởng qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc quà tặng gửi đến tận nhà.
Tiếp theo, chúng sẽ gửi đường link lạ, mã QR là trang website, phần mềm giả mạo hoặc đường dẫn chứa vi - rút chiếm quyền điện thoại đến máy của người dân thông qua trình tin nhắn, Zalo, Telegram, Messenger
Khi truy cập vào website, ứng dụng giả mạo, khách hàng sẽ phải nhập các thông tin cá nhân, thông tin thanh toán là thông tin tài khoản ngân hàng, số thẻ, mật khẩu, mã OTP. Sau đó, đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng thông tin này để chiếm đoạt tài sản.
leftcenterrightdel
 Các công dân từ Campuchia được trao trả về nước. 

Em H, chua xót: “Do áp lực từ công ty lừa đảo qua mạng nên bọn em mới bỏ trốn. Tuy nhiên, em bị bọn chúng phát hiện và bắt giữ lại. Tức giận, bọn chúng đã dùng gậy 3 khúc đánh chân em gẫy. Chưa dừng lại, chúng còn dùng chân đá vào ngực em và những người khác bỏ trốn bị bắt lại. Đến tận bây giờ, em vẫn chưa hết hoảng sợ khi nhớ lại cảnh bị chúng đánh đập”.

Cùng lâm vào cảnh tương tự, em N.T.T, kể: Sau khi bị lừa qua Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”, T. được bọn chúng phân công làm mảng lừa đảo chứng khoán, tài chính qua không gian mạng.

Số tiền T. lừa được cao nhất gần 2 tỉ đồng, số lượng rất là nhiều. Hàng ngày, T. phải làm theo lệnh của chúng bắt buộc rằng, phải nhắn tin với khách tạo lòng tin lại cho khách. Thời gian đầu, T. làm được nhưng càng về sau thì không lừa được.

“Khi đó, em bắt đầu gặp phải áp lực. Chúng hỏi tại sao bạn không tìm ra khách hàng bạn cho biết lý do. Em nói, công việc hàng ngày vẫn làm bình thường nhưng mà không tìm kiếm được khách hàng do khách hàng bị lừa quá nhiều rồi nên họ không dính bẫy. Khi đó, bọn chúng đe dọa em T rằng, nếu không chịu làm đủ doanh thu thì bị chuyển nhượng đến công ty lừa đảo khác. Đáng nói, trước đó em có làm dư chỉ tiêu nhưng cũng không được bọn chúng trả lương như lời hứa hẹn…”, T, nói thêm.

Từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, Công an tỉnh Tây Ninh đã phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh và lực lượng chức năng khác tiếp nhận, giải cứu hơn 600 công dân Việt Nam từ Campuchia về nước. Điển hình, trong 2 ngày 11 và 12/12/2024, tại Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tiếp nhận 409 người Việt Nam được lực lượng chức năng Campuchia trao trả, vì lao động và cư trú bất hợp pháp tại Campuchia. Trước đó, ngày 4/12/2024, Tổng cục Công an Quốc gia, Bộ Nội vụ (Campuchia) đã kiểm tra hành chính khu vực Venus Casino & Resort thuộc thành phố Bavet, tỉnh Svay Riêng, Campuchia. Sau khi kiểm tra, đã tạm giữ 410 công dân Việt Nam do vi phạm luật xuất cảnh trái phép và lao động trái phép, nghi vấn lừa đảo trên không gian mạng.

leftcenterrightdel
 Các công dân từ Campuchia được trao trả về nước. 

Mới đây nhất, vào ngày 6/2, tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, lực lượng chức năng cũng tiếp nhận 177 công dân (19 nữ, 158 nam) do Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia trao trả. Đáng lưu ý, trong 177 người Việt Nam được trao trả lần này có 48 trường hợp xuất cảnh hợp pháp, 129 trường hợp xuất cảnh trái phép. Trong đó, 176 trường hợp liên quan công ty lừa đảo tại tòa 11, khu kim sa 4, cửa khẩu Bavet, tỉnh Svay Riêng (Campuchia) dưới hình thức lừa đảo trực tuyến (app cờ bạc 2.1, đầu tư app vin group, app tình yêu, app đầu tư chứng khoán…) và một trường hợp làm shipper.

Đáng lưu ý, phần lớn công dân Việt Nam phần lớn đều xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc, hoặc đối tượng phạm tội, truy nã, truy tìm của lực lượng Công an. Trong quá trình làm việc ở công ty, các nạn nhân không chịu nổi áp lực công việc và bị công ty bóc lột sức lao động nên đã liên hệ cơ quan chức năng Campuchia nhờ giải cứu.

 Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm lừa đảo qua mạng và mua bán người trong thời gian tới, Công an tỉnh Tây Ninh triển khai đồng loạt biện pháp nghiệp vụ để nắm chắc tình hình tội phạm mua bán người, lừa đảo qua mạng trên địa bàn tỉnh, nhất là các đường dây băng nhóm nghi vấn, từ khâu tuyển mộ vận chuyển và tổ chức đưa người sang biên giới. Ngăn ngừa các đối tượng từ nơi khác đến móc nối đối tượng địa phương hình thành các đường dây hoạt động lâu dài, phát triển về quy mô phức tạp. Đồng thời, Công an phối hợp chặt chẽ cùng Biên phòng tăng cường tuần tra kiểm soát trên tuyến biên giới phòng chống xuất, nhập cảnh trái phép; phối hợp trao đổi thông tin với lực lượng chức năng Campuchia về tội phạm mua bán người và hỗ trợ giải cứu nạn nhân bị lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” nơi xứ người…
Thiên Bình