Thời gian này, cả nước đang trải qua một đợt nắng nóng cao độ với nhiệt độ ngoài trời thường xuyên trên 40 độ C. Điều kiện thời tiết khắc nhiệt như vậy rất dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe do nóng như cháy nắng, chuột rút, ngất, say nắng… trong đó nguy hiểm nhất là sốc nhiệt. Sốc nhiệt là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng do tiếp xúc nhiệt độ cao gây ra. Nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân có thể tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. 

Để phòng tránh sốc nhiệt, các chuyên gia khuyến cáo:

- Hạn chế ra ngoài đường trong khoảng thời gian nhiệt độ lên đỉnh điểm từ 10h - 16h. Nếu bắt buộc phải làm việc, cứ sau khoảng 45 phút - 60 phút làm nên vào bóng râm nghỉ ngơi từ 15 - 20 phút.

- Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, rộng vành, kính, khẩu trang.... Mặc quần áo rộng, sáng màu, và thấm mồ hôi.

- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

- Nên thường xuyên ăn những thực phẩm có tính giải nhiệt như: nước dừa; mướp đắng; nước chanh; dưa hấu; bí ngô; đậu xanh...

- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Thời gian làm việc nên buổi sáng bắt đầu từ sớm và kết thúc sớm, buổi chiều bắt đầu muộn và kết thúc muộn; khi làm việc nếu thấy nóng quá, mệt hoặc khó chịu nên tạm nghỉ và thường xuyên uống các loại nước pha muối.

Đối với người bị sốc nhiệt do nắng nóng, việc sơ cứu cũng rất quan trọng:

- Nạn nhân càng được phát hiện sớm và sơ cứu, làm nguội cơ thể sớm, điều trị tích cực sớm thì càng hạn chế các tổn thương lên các cơ quan.

- Khi phát hiện thấy mệt mỏi, khó chịu hoặc nặng hơn là bất tỉnh thì phải cho tạm nghỉ và kiểm tra.

- Hạ thân nhiệt cho nạn nhân bằng cách cởi bỏ bớt quần áo, quạt mát, dùng khăn tẩm nước mát lạnh hoặc nước đá lau chườm khắp người, nhất là ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ để làm hạ thân nhiệt.

- Trong trường hợp nặng, gọi ngay người hỗ trợ, vận chuyển cấp cứu và đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất. Chú ý liên tục duy trì việc làm mát cơ thể nạn nhân.

Tuệ Anh(T/h)