leftcenterrightdel
Những bao cát chắn lũ ở sông Bùi, Chương Mỹ, Hà Nội 

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, từ ngày 30/7-02/8, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình, các sông ở Thanh Hóa sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên trên các sông như: trên thượng lưu sông Đà, sông Thao từ 2-3m, thượng lưu sông Thái Bình từ 3-4m, hạ lưu sông Thái Bình từ 1-2m, thượng lưu sông Lô từ 3-4m, sông Hoàng Long từ 1-2m, thượng lưu hệ thống sông Mã từ 2-4m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Thao ở mức BĐ1-BĐ2, thượng lưu sông Lô ở mức BĐ1, sông Hoàng Long ở mức BĐ1-BĐ2, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa lên mức BĐ1.

Mực nước sông Thao, sông Lô đang biến đổi chậm, mực nước sông Hồng, sông Hoàng Long, sông Đáy đang lên. Mực nước hạ lưu các sông trên hệ thống sông Thái Bình đang biến đổi chậm. Mực nước lúc 7h00 ngày 30/7 tại một số trạm như sau: mực nước tại Hà Nội:  6,12m, mực nước tại Phả Lại: 2,92m, mực nước tại Bến Đế:  3,28m ( dưới BĐ2: 0,22m, tại Phủ Lý là 3,99m (dưới BĐ3: 0,11m). Dự báo ngày 31/7, mực nước tại Hà Nội có khả năng lên mức 6,20m. Mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế xuống mức 2,85m (dưới BĐ1: 0,15m).

Tại Hà Nội, đã có hơn 700 người đã được huy động để hộ đê sông Bùi ở Chương Mỹ, Hà Nội. Do nước ở thượng nguồn đổ về làm cho nước càng dâng cao hơn mặt đê khoảng 50cm. Tình trạng ngập úng tại Chương Mỹ đã kéo dài khoảng 10 ngày qua và chưa thấy dấu hiệu nước rút. Người dân cùng quân đội đã dùng những bao cát để chặn dòng nước lũ. Theo người dân nếu để nước tràn vào thì các xã ở Chương Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng lớn gây khó khăn cho cuộc sống người dân. Dự báo vùng thượng nguồn còn mưa to và nước sông Bùi vẫn còn lên.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN yêu cầu các tỉnh tiếp tục triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, đảm bảo không để người dân bị đói, rét; xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh; đảm bảo thông tuyến giao thông; khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống cho nhân dân.

Hoài Thu