5 nạn nhân có quan hệ họ hàng

Một ngày sau vụ tai nạn, không khí tang thương bao trùm bản Cảy, bản Giàng Vìn, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa). Nơi đây, 5 phụ nữ của bản đi bốc gỗ keo đã không thể trở về sau chuyến xe định mệnh.

Anh Hà Văn Tuân, Bí thư Đoàn xã Trí Nang, huyện Lang Chánh cho biết, đêm đó, anh đến chơi đám cưới người thân, thì học trò chạy qua báo có vụ lật xe. Anh Tuân cùng học sinh đó quay lại hiện trường.

leftcenterrightdel
 Hiện trường vụ tai nạn.

Là những người đầu tiên có mặt, anh Tuân gọi điện báo cho cơ quan chức năng rồi cùng nhiều người khác thực hiện cứu hộ đưa các nạn nhân ra khỏi xe.

Xác nhận 5 nạn nhân đều là Hội viên Hội phụ nữ xã Trí Năng, bà Hà Thị Vân, Chủ tịch Hội cho biết, các chị có quan hệ họ hàng với nhau, đều có hoàn cảnh khó khăn, làm nghề lao động tự do; gia đình bố mẹ già yếu, con nhỏ.

3 người thoát chết nhờ đi về trước

Chuyến đi bốc gỗ keo đó có 8 người ở Trí Năng. Tuy nhiên, 3 người trong nhóm đi về trước bằng xe máy, đã may mắn thoát nạn.

Chị Lê Thị Thủy, SN 1994, ở thị trấn Lang Chánh là một trong những người may mắn đó. Nhưng mẹ chị là bà Lê Thị Sơn, SN 1973, ở bản Giàng Vìn, xã Trí Nang thì đã ra đi mãi mãi.

leftcenterrightdel
 Chị Lê Thị Thủy đi về trước, may mắn thoát nạn.

Chị Thủy kể: Do con ốm nên tôi cùng chồng và bác gái về trước bằng xe máy. Về đến nhà thì hay tin mẹ và những người đi bốc keo cùng nhóm gặp nạn. Vội vàng lên đến nơi thì mới biết họ đã chết.

Bà Lương Thị Khôi, SN 1965, mẹ chồng của nạn nhân Lê Thị Thi, SN 1988, ở bản Cảy, xã Trí Nang cho biết: Thi lập gia đình năm 2008, năm 2010, hai vợ chồng ra ở riêng. Làm ruộng làm vườn thu nhập thấp, không đủ để lo cho gia đình, nên vợ chồng chị Thi không ngần ngại làm thuê làm mướn.

leftcenterrightdel
 Nhà chị Thi mới dựng, nhưng chị đã ra đi không về...

"Hơn 2 năm nay, vợ chồng nó đều đặn đi bốc, vận chuyển gỗ keo lên xe tải cho các bên thu mua. Thu nhập trung bình mỗi ngày 200.000 đồng/ người. Hôm nào đi bốc gỗ keo về sớm thì lại lên rừng kiếm củi mang về. Có hôm phải đi bốc gỗ keo cho nhiều xe, phải đến 1-2 giờ sáng mới về đến nhà" - bà Khôi kể và đau xót cho biết con dâu bà đã có ý định không đi bốc gỗ keo nữa để kiếm công việc khác nhẹ nhàng hơn, tiện bề chăm sóc con nhỏ, nhưng không ngờ chuyến đi bốc gỗ keo đó đã không về.

Anh Lê Phi Mạnh, SN 1979, chồng nạn nhân Lê Thị Cảnh, SN 1984, cũng đau xót ôm con vừa khóc vừa kể: gia đình anh có 2 con nhỏ, sống cùng mẹ già và chị gái tàn tật. Nhiều năm qua, hai vợ chồng anh làm thuê nhiều công việc để kiếm sống.

leftcenterrightdel
 Chính quyền, cơ quan chức năng thăm hỏi gia đình nạn nhân.

Anh Cảnh cũng từng gặp nạn khi đi bốc gỗ keo, mất 1 đầu ngón tay trỏ. Hôm đó, lẽ ra anh đã cùng đi bốc gỗ với mọi người, nhưng tay đau đã ở nhà.

Chiều hôm qua (23/3), các nạn nhân đã được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng, không khí tang thương, lạnh lẽo vẫn phủ khắp núi rừng nơi đây.

 

Dương Mẫn