Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vừa qua tại vùng núi phía Bắc đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng ở thượng nguồn các con sông và một số nơi ở đồng bằng Bắc bộ, lượng mưa phổ biến từ 400 đến 500mm. Mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã gây ra lũ, lụt, ách tắc giao thông chia cắt một số vùng và đe doạ nghiêm trọng các tuyến đê xung yếu thuộc hệ thống Sông Hồng, Sông Thái Bình…Đặc biệt trên Sông Hồng do Đập thủy điện Hòa Bình mở 05 cửa xả đáy dẫn đến nước sông Hồng lên cao với lưu lượng lớn nước chảy xiết đã gây sạt, trượt mái đê ở một số đoạn đê thuộc các địa phương. Trong đó hệ thống đê thuộc địa bàn xã Trung Châu (huyện Đan Phượng) cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đã xuất hiện mạch đùn, mạch sủi, sạt ở chân đê một số đoạn đê xung yếu có thể dẫn đến vỡ đê đe doạ trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân địa phương. Theo dự báo trong thời gian tới mực nước lũ trên các Sông Hồng, Sông Đà, Sông Lô, Sông Đuống, hệ thống Sông Thái Bình, … đều vượt trên mức báo động 3 và còn diễn biến phức tạp.

leftcenterrightdel

Thường xuyên tu bổ đê điều nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra 

Thực hiện công tác PCTT-TKCN, trong các ngày qua nhân dân và lực lượng vũ trang tại huyện Đan Phượng đã phối hợp chặt chẽ tham gia khắc phục những sự cố đê, kè, củng cố kho tàng, nhà cửa, tổ chức sơ tán nhân dân ra khỏi vùng xung yếu; tổ chức lực lượng ứng trực. Đặc biệt, do mực nước sông Hồng tại Hà Nội ở mức trên thiết kế và theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia lũ vẫn còn tiếp tục lên nhanh. Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công bố Lệnh báo động lũ khẩn cấp trên sông Hồng, sông Lô, sông Thao.

Mực nước hồ Hoà Bình đã ở cao trình 115,00m, lưu lượng nước về hồ hiện tại vẫn rất lớn, có lúc lên đến 8000m3/s. Để bảo đảm an toàn theo quy trình vận hành công trình hồ chứa Hồ Hòa Bình đã mở 05 cửa xả đáy; lũ sông Thao, Sông Lô cũng đang tiếp tục lên nhanh vượt mức báo động 3. Thực hiện Quyết định của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, lực lượng vũ trang huyện Đan Phượng đã tiến hành di chuyển tài sản, sơ tán nhân dân ra khỏi vùng trọng điểm, tổ chức TKCN trong khu vực ngập lụt.

Đáng lưu ý, nếu xảy ra vỡ đê tại Hà Nội sẽ trực tiếp uy hiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng như nhà cửa, bệnh viện, trường học, đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc có thể bị gián đoạn, hệ thống điện thắp sáng và nước sạch bị hư hỏng hoặc tê liệt. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn trong ứng cứu.

Theo báo cáo khẩn của Ban Chỉ đạo về Phòng chống thiên tai Trung ương, hiện nay các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương…cũng đang ở trong tình trạng khẩn cấp, các tuyến đê bị uy hiếp nghiêm trọng, nguy cơ vỡ đê là rất cao khi bão đổ bộ vào đất liền.

Trên thực tế, Trung Châu là xã miền bãi, địa giới hành chính bị chia cắt thành 02 miền (Trung Châu A và Trung Châu B) ở giữa 02 miền là xã Thọ An; địa hình trũng thấp. Trên địa bàn có 1 con sông lớn là sông Hồng chảy qua. Trong những năm gần đây, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các loại hình thiên tai xảy ra ngày càng nhiều theo chiều hướng phức tạp. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2019 tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường; số cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta sẽ cao hơn năm 2018; các hiện tượng thời tiết cực đoan khác có thể diễn ra nhiều hơn.

Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng, đời sống và sản xuất của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đan Phượng nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung một cách bền vững thì việc chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời có hiệu quả thiên tai là hết sức quan trọng. Công tác PCTT- TKCN nói chung được các cấp các ngành rất quan tâm; đặc biệt là với nhiệm vụ diễn tập PCTT- TKCN.

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã gây lũ lụt ở nhiều nơi và đe doạ nghiêm trọng các tuyến đê thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Trên địa bàn xã Trung Châu mưa lớn gây úng ngập nghiêm trọng ở hầu hết các thôn, cụm dân cư gây thiệt hại lớn về hoa màu, tài sản của nhân dân, giao thông bị chia cắt, nhân dân nhiều vùng phải sơ tán tại chỗ, sơ tán tập trung.

Trên tuyến đê sông Hồng tình hình diễn biến hết sức phức tạp, mực nước sông Hồng tại Thủ đô Hà Nội đạt trên mức 13m, tương ứng mực nước tại cống số 1 Đan Hoài, đã xuất hiện mạch đùn, mạch sủi, sạt trượt mái đê ở một số đoạn đê xung yếu, có thể dẫn đến vỡ đê đe doạ trực tiếp đến tính mạng tài sản của nhân dân địa phương.

Với mục tiêu “Phòng là chính, tích cực, chủ động ứng cứu nhanh có hiệu quả”. Hà Nội đã vận dụng phương châm “4 tại chỗ”, huy động người, phương tiện, cơ sở vật chất, ứng cứu kịp thời, cứu người trước, tài sản sau, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản của nhân dân. Khi xảy ra thiên tai gây thiệt hại về người và tài sản, các đơn vị được quyền sử dụng lực lượng, phương tiện hoạt động thường xuyên thuộc quyền đi ứng cứu trước đồng thời báo cáo lên cấp trên.

 

PV