“Sống xanh cỏ, chết đỏ ngực”
Căn nhà mái bằng giản dị của cựu chiến binh (CCB) Lê Xuân Chinh ở đội 4, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên nhìn ra cánh đồng lúa đang thì con gái. Điện thoại và phải thuyết phục đến lần thứ hai, CCB Lê Xuân Chinh mới đồng ý tiếp chúng tôi. Năm nay ông bước sang tuổi 71, vừa mới xuống Hà Nội (Bệnh viện 108) phẫu thuật tuyến tiền liệt nên sức khỏe còn yếu. Bà Đào Thị Đặt, vợ ông cười nhẹ nói như ta thán: “Ông vẫn gan lì như ngày trong bộ đội. Hai bố con dắt díu nhau về Hà Nội. Mổ đau vậy nhưng không cho tôi về và cũng chẳng kêu một tiếng!”.
CCB Lê Xuân Chinh quê ở làng Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông mồ côi cha từ hồi mới chập chững. Năm 1972, thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, là con độc nhất trong nhà, tuy không thuộc diện phải vào chiến trường nhưng ông vẫn kiên quyết viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Ngày khoác ba lô lên đường, mẹ khóc nhưng ông lại cười. Ông nói: “Con đi sống xanh cỏ chết đỏ ngực, con hứa sẽ không bao giờ đào ngũ làm ô danh mẹ và gia đình”.
|
|
Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên thành cổ Quảng Trị” của nhà nhiếp ảnh, phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính. |
Trong biên chế Đại đội 18 thông tin liên lạc của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, Lê Xuân Chinh vượt sông Thạch Hãn vào thành cổ Quảng Trị. Nhiệm vụ chính của ông và đồng đội là hằng ngày dẫn lực lượng chủ lực và đem công văn, mệnh lệnh từ chỉ huy xuống các đơn vị chiến đấu vào trong thành cổ. Mỗi ngày, Lê Xuân Chinh và đồng đội không biết bao lần phải đối mặt và vượt qua cái chết chỉ trong gang tấc. Nghĩ lại những ngày đó, ông cười: "Cuộc chiến khốc liệt nên mỗi lần vượt sông, chúng tôi đều xác định sẽ hy sinh nên cũng lạc quan, vui vẻ, chai sạn trước bom đạn, thậm chí còn tếu táo an ủi nhau: bom đạn Mỹ - Ngụy nó sợ mình!”.
Trận Thành cổ bắt đầu từ 28/6/1972 đến 16/9/1972 thì Lê Xuân Chinh bám trụ một mạch từ ngày đầu đến ngày 5/9. Hôm đó, trên đường mang công văn từ ban chỉ huy trung đoàn xuống Ái Tử, ông bị mảnh pháo găm vào sườn trái ngất đi. Tỉnh dậy, ông mới biết mình đã được đồng đội chuyển ra Bệnh viện dã chiến 112, thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Kể về tấm hình nổi tiếng “Nụ cười chiến thắng bên thành cổ Quảng Trị”, CCB Lê Xuân Chinh cho biết: “Hôm đó, nhận lệnh của Ban chỉ huy Trung đoàn, tôi và du kích dẫn phóng viên nhiếp ảnh Đoàn Công Tính, Báo Quân đội Nhân dân vào thành cổ.
Khi đến một chốt của quân ta ở phía đông gần giáp bờ sông Thạch Hãn, thấy một nhóm chiến sĩ ta đang nhô đầu ra khỏi chiến hào giữa lúc pháo địch chuyển làn, phóng viên Đoàn Công Tính bảo: “Các anh em cứ ngồi đó cười thật tươi, tôi chụp bức ảnh”. Lúc đó, chẳng ai nghĩ sẽ được nổi tiếng mà chỉ nghĩ đơn giản, sống chết có số cả, cứ cười một tí cho khí thế, có khi chụp xong lát nữa hy sinh hết. Vả lại tôi là con độc nhất, cũng muốn được đăng báo để gia đình ở quê biết được con đang sống và chiến đấu ở Quảng Trị”.
|
|
Cựu chiến binh Lê Xuân Chinh với tác giả bài viết. Ảnh Văn Quyết. |
Ngược ngàn “đi kinh tế mới”
Năm 1974, do sức khỏe yếu nên Lê Xuân Chinh được cấp trên giải quyết về phục viên. Qua mai mối của người cô ruột, ông nên duyên vợ chồng với cô thôn nữ cùng làng. Khi có cô con gái đầu lòng, vết thương bên sườn cùng hậu quả những trận bom B52 và pháo hạm lúc ở chiến trường khiến ông mắc bệnh phổi, thường xuyên không thở được. Năm 1980, ông lên thăm người nhà đi kinh tế mới ở Điện Biên, thấy mảnh đất phì nhiêu, có thể sống được nên quyết định về quê động viên vợ, sau đó cả nhà ngược ngàn. Giấy tờ chứng nhận thương tật bị mất sạch, ông lên xây dựng kinh tế mới với 4.000m2 ruộng, 3 đứa con nheo nhóc lần lượt ra đời.
Bà Đào Thị Đặt, vợ ông tâm sự: “Người ta chăm trẻ con chỉ vài ba năm, tôi chăm ông ấy mấy chục năm. Đêm nào cũng phải dậy tiêm thuốc cho ông ấy từ 2-3 lần, nếu không ông ấy không thở được”. Từ một cô thôn nữ, bà trở thành y tá bất đắc dĩ khi thuộc rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh phổi cho ông. Bà kể, cứ 10 ngày một lần tôi địu con đi bộ 6 cây số ra bệnh viện ngoài thị trấn xin thuốc. Hôm nào may mắn gặp bác sĩ và còn thuốc thì được kê đơn mang về, nhiều hôm phải về không. Ngày ấy người ta cày cấy đổi công, 1 công trâu bằng 3 công người. Nhiều hôm đi cày đổi công ông ấy còn ngất giữa ruộng. Có hôm khó thở biết sắp lả ông chạy về tiêm 1 mũi rồi lại lao ra đồng".
|
|
CCB Lê Xuân Chinh kể chuyện với các phóng viên về bức ảnh "Nụ cười chiến thắng bên thành cổ Quảng Trị". Ảnh Văn Quyết. |
Năm 1985, sau nhiều năm phải ở nhờ người họ hàng, Hợp tác xã cấp đất ở cho ông và một số hộ gia đình ở gò đất thuộc đội 4, xã Thanh Yên. Khổ nỗi, đây lại là bãi tha ma bỏ hoang. Chẳng biết tính sao, ông bà đành đắp đất làm nhà, khai hoang vườn rau, đào ao thả cá. Còn 2 ngôi mộ ngay sau nhà không có thân nhân đến nhận nên ông bà đành đắp đất cao, ngày rằm mùng 1 hương khói thờ phụng cho đến tận bây giờ. Gia đình CCB Lê Xuân Chinh vẫn ở ngôi nhà gỗ bé xíu xập xệ cho đến tận năm 2002, khi người ta phát hiện nhân vật trong bức ảnh treo trang trọng ở Bảo tàng thành cổ Quảng Trị chưa… hy sinh!.
Nhà báo Đoàn Công Tính, đạo diễn Trần Minh Đại rồi Đài Truyền hình Việt Nam tìm đến ông. Ông lên sóng truyền hình trong câu chuyện xúc động đẫm nước mắt tại chương trình “Người đương thời”. Đồng chí, đồng đội và những nhà hảo tâm quyên góp dựng cho ông căn nhà tình nghĩa, ông được đưa đi giám định, được cấp thẻ thương binh 4/4.
Hạnh phúc đến muộn
Trò chuyện với chúng tôi, CCB Lê Xuân Chinh tâm sự: “Được sống trở về đã thấy mình quá may mắn so với bao đồng đội đã nằm lại ở chiến trường nên mặc dù bị thương mấy chục năm chẳng có chế độ, tôi cũng không đòi hỏi gì cho mình”. Điều trăn trở nhất của ông là do hoàn cảnh khó khăn nên không cho 3 con theo học đến nơi đến chốn. Cô con gái đầu Lê Thị Oanh (SN 1980), con gái thứ Lê Thị Minh (SN 1982) và con trai út Lê Văn Thành (SN 1985) đều lập gia đình và làm nông nghiệp ở xã Thanh Yên. Sau mấy chục năm tích cóp, vợ chồng ông cắt đất cho cô con gái lớn, dựng cho cậu con trai duy nhất căn nhà cấp 4 ở ngay cạnh nhà bố mẹ.
|
|
Bà Đào Thị Đặt và cô cháu gái Lê Thanh Tâm. |
Ông bảo, con út bị nhiễm chất độc da cam từ bố nên sức khỏe yếu, chẳng làm được việc gì, sinh được một cô con gái thì bị bại não chỉ nằm một chỗ, không biết nói biết cười. Năm 2020, cháu 13 tuổi thì qua đời. Vợ chồng con út cũng không dám sinh con vì sợ con nhiễm chất độc quái ác, sinh ra lại khổ. Cuối năm ngoái, giữa đêm đông rét mướt, khi vợ chồng ông đang về quê thì cô con gái đầu ra đóng cổng bỗng nghe tiếng ọ ẹ. Chị soi đèn pin thì thấy một chiếc làn, bên trong là một bé gái đỏ hỏn mới được 2-3 ngày tuổi.
Chị ẵm cháu vào nhà rồi lên UBND xã trình báo. Sau nhiều thủ tục cùng sự xác minh kỹ càng của Công an, vợ chồng cậu con út của ông chính thức nhận cháu bé làm con nuôi. “Tôi đặt tên cháu là Lê Thanh Tâm với ước mong cuộc đời cháu thanh cao, bình an, hạnh phúc. Cháu đã thiệt thòi khi bị cha mẹ đẻ bỏ rơi nhưng tôi nghĩ cũng là cái phúc của gia đình tôi”.
Ông cười; vẫn nụ cười lạc quan năm nào nhưng sao vẫn ẩn giấu một nỗi buồn sâu thẳm…