Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Tây của tỉnh Thái Nguyên, là đầu mối giao thông kết nối tỉnh Thái Nguyên với các tỉnh miền núi phía Bắc, huyện Đại Từ có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những năm qua, Đại Từ luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định ở mức bình quân trên 8%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, thu ngân sách hàng năm đều tăng, đời sống Nhân dân tiếp tục được nâng cao, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Theo Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2040 đã được phê duyệt huyện Đại Từ được định phướng phát triển không gian thành 3 vùng.
    |
 |
100% đại biểu HĐND huyện Đại Từ nhất trí thông qua nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính. (Ảnh: Trọng Tài) |
Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã của tỉnh Thái Nguyên năm 2025 huyện Đại Từ sẽ còn 9 xã, gồm: xã Đại Từ; xã Đức Lương; xã Phú Thịnh; xã La Bằng; xã Phú Lạc; xã An Khánh; xã Quân Chu; xã Vạn Phú; xã Phú Xuyên.
Đáng chú ý là tỉnh Thái Nguyên sẽ thành lập xã Đại Phúc trên cơ sở nhập 05 xã, thị trấn: Phúc Xuân, Phúc Trìu (của TP Thái Nguyên), Hùng Sơn, Tân Thái (của huyện Đại Từ), Phúc Tân (của TP Phổ Yên). Trụ sở ĐVHC đặt tại xã Phúc Xuân với diện tích 107,47k m² tổng dân số 39.220 người.
Phân tích về vấn đề này trong cuộc làm việc của Ban thường vụ Huyện ủy Đại Từ làm việc với Đảng ủy Thị trấn Hùng Sơn, đồng chí Vũ Duy Hoàng, UVBTV Tỉnh ủy - Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vân Tỉnh uỷ Thái Nguyên nhấn mạnh: Thành lập xã Đại Phúc trên cơ sở các xã khu vực Hồ Núi Cốc. Đây là 5 đơn vị hành chính cấp xã được quy hoạch tập trung phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ (sân golf, nghỉ dưỡng…), tạo cực tăng trưởng mới, nâng cao tỷ lệ kinh tế xanh trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, cả 5 ĐVHC đều thuộc diện thực hiện sắp xếp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc sắp xếp, sáp nhập 5 ĐVHC nhằm thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh về sắp xếp ĐVHC; là cần thiết, tạo điều kiện để mở rộng không gian phát triển, phát huy được tiềm năng của Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc; góp phần tăng quy mô ĐVHC, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; là điều kiện để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; bảo đảm chính quyền cấp cơ sở gần dân, sát dân và phục vụ người dân được tốt nhất.
    |
 |
Huyện Đại Từ tổ chức nhiều hội nghị, trao đổi tuyên truyền chủ trương sắp xếp ĐVHC giúp nhân dân hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình. (Ảnh: Trọng Tài) |
Theo các nhà chuyên môn, việc sáp nhập cấp xã không đơn thuần là ghép các mảng đô thị lại với nhau, sự sắp xếp này phục vụ cho chiến lược mở rộng không gian đô thị lõi, trung tâm hành chính, văn hoá, giáo dục, y tế, thương mại, dịch vụ tổng hợp. Đây là bước đi nhằm kiến tạo một trung tâm điều hành, đô thị hiện đại, năng động nhưng vẫn giữ gìn được giá trị văn hóa, lịch sử địa phương.
Cụ thể, với việc thành lập xã Đại Phúc trên cơ sở nhập 05 xã/thị trấn của 3 đơn vị cấp huyện (Phúc Xuân, Phúc Trìu, Hùng Sơn, Tân Thái, Phúc Tân) là một bước đi chiến lược để phát triển cực tăng trưởng mới phía Tây của tỉnh - nơi có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái với hồ Núi Cốc, lưu vực Sông Công và những vùng còn quỹ đất khá lớn.
Ngoài ra, việc chọn tên gọi “Đại Phúc” không chỉ có ý nghĩa tôn vinh các địa danh hiện hữu mà còn mang theo kỳ vọng về một vùng đất “phúc lớn”, nơi hội tụ thịnh vượng và phát triển bền vững.
Xã Đại Phúc được bố trí trụ sở hành chính tại trung tâm vùng sáp nhập, bảo đảm giao thông thuận lợi với hệ thống quốc lộ và tỉnh lộ hiện hữu. Sự liên kết không gian giữa các địa phương trước đây được quy hoạch bài bản, tạo điều kiện lý tưởng để đầu tư phát triển đồng bộ.
    |
 |
Người dân huyện Đại Từ tham góp ý kiến vào các Đề án sắp xếp ĐVHC.(Ảnh: Trọng Tài) |
Đồng chí Nguyễn Thành Minh, UVBCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Đại Từ cho biết: Thực hiện Kế hoạch của UBND huyện, ngày 18/4, 27/27 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Từ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Thái Nguyên năm 2025 và dự thảo đề án hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Tại địa điểm các nhà văn hóa xóm, tổ dân phố, nơi tổ chức lấy ý kiến cử tri, đều niêm yết công khai dự thảo tóm tắt Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Thái Nguyên năm 2025 và dự thảo tóm tắt Đề án sắp xếp tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Kết quả cho thấy, tỷ lệ người dân đồng thuận với đề án sắp xếp ĐVHC tại huyện đạt gần 100%.
Tại kỳ họp thứ 14 tổ chức ngày 21/4, 100% đại biểu HĐND huyện Đại Từ nhất trí thông qua nghị quyết về chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Thái Nguyên năm 2025 và nghị quyết về chủ trương hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Kết quả trên sẽ là tiền đề quan trọng để thực hiện các bước tiếp theo trong việc sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Thái Nguyên và hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được huyện Đại Từ sẽ tiếp tục triển khai các bước cần thiết để vừa tinh gọn bộ máy hành chính vừa tái cơ cấu toàn diện, hướng đến một nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, vì dân, thích ứng nhanh với yêu cầu phát triển. Đây chính là một trong những điểm then chốt để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện đại, đặt nền tảng cho phát triển đất nước nhanh, bền vững trong thời đại mới - Đồng chí Nguyễn Thành Minh cho biết thêm.