(BVPL) - Sắp hết năm 2012, không chờ đợi nhưng điều gì sẽ đến lại sắp đến. Vợ tôi vẫn đều đặn uống thuốc nhưng không hiểu sao mấy hôm nay lại có dấu hiệu bất ổn: hay quên, nói năng không lễ phép với chính mẹ đẻ, hỏi những câu vu vơ.

 
 
Chuyện sẽ không đáng nói nếu hôm sau vợ tôi không bị nghiêm trọng hơn. Tôi xin nghỉ phép để xuống gia đình nhà ngoại. Thật bất ngờ chứng kiến vợ tôi chửi mắng không từ một ai, nói với ai cũng rất căng thẳng, quát la như thể đang tức giận ai đó. Thế rồi cả mấy chị em trong gia đình ngoại và hàng xóm cùng nhau đưa vợ tôi vào bệnh viện. Tôi sụt sùi đi theo taxi và bất ngờ khi gia đình đưa cô ấy vào Viện sức khỏe tâm thần, bệnh viện Bạch Mai. Em vợ an ủi tôi: “Chị ấy bị bệnh mất ngủ, vào đây uống thuốc khoảng một tuần là lại bình thường thôi".
 
Tôi xem các đơn thuốc trước đây thì hóa ra vợ tôi bị bệnh “Rối loạn phân liệt cảm xúc”, bệnh mà tôi chưa bao giờ nghe đến. Căn cứ vào thời gian kê thuốc từ các đơn thuốc trước đây tôi mới biết vợ đã bị bệnh từ năm 2001, tiếp đến là 2004, lần này là 2008. Tôi thực sự bị bất ngờ, sao vợ tôi lại có thể bị bệnh tâm thần? Sao một người dịu dàng như vậy mà lại có những giây phút hung hãn đến như vậy? 
 
Gia đình tôi biết chuyện này chắc thất vọng lắm, nghĩ thế nên tôi quyết định giấu bố mẹ ở quê, chỉ cho chị gái biết vì chị ấy vốn làm trong ngành y. Thế nhưng tôi lại càng buồn hơn khi biết rằng sẽ rất khó để có tương lai khi sống với một người mắc bệnh tâm thần, chị tôi cho biết sẽ có yếu tố di truyền cho thế hệ sau.
 
Cứ ngỡ vợ tôi chỉ cần điều trị một tuần như em vợ nói, nào ngờ ròng rã một tháng điều trị tại bệnh viện, nửa tháng điều trị ngoại trú và sau đó vẫn phải uống thuốc duy trì hàng ngày theo đơn của bác sĩ. Sau khoảng 20 ngày đi khám lại một lần để điều chỉnh thuốc. Vợ tôi đi làm trở lại, khỏe mạnh và dịu dàng như ngày nào, có điều chúng tôi mãi vẫn không có con. 
 
Bố mẹ chỉ có một mình tôi là con trai nên rất mong, thỉnh thoảng lại gọi điện hỏi tình hình và mỗi lần về thăm nhà bố mẹ lại thắc mắc “Sao chúng mày lâu thế? Làm sao mà mãi không có con”? Tôi không biết phải trả lời như thế nào. Nói thật chắc bố mẹ sẽ rất buồn, vì thế tôi viện lý do vợ con hay đau yếu nên chưa thể sinh con được.
 
Thế rồi đến hẹn lại lên, mỗi năm cứ vào thời điểm giao mùa hạ thu thì vợ tôi lại bất ổn. Trước đây cách nhau ít nhất 3 năm thì nay cứ mỗi năm một lần. Đặc biệt là vào năm ngoái vợ tôi vào viện điều trị xong về đi làm được nửa tháng lại phải vào viện tiếp. Sự việc diễn ra trong vòng hơn 3 tháng, vì đã giáp tết nên mặc dù chưa ổn định lắm nhưng gia đình xin xuất viện về với gia đình đón xuân.
 
Tôi buồn, đau khổ và là lần đầu tiên một mình về ăn tết với gia đình ở quê. Cho dù biết rằng ông bà sẽ rất buồn nhưng không thể giấu được nữa vì chẳng có lý do gì mà con dâu lại không về thăm bố mẹ chồng nên tôi đã nói ra sự thật. Bố mẹ thực sự buồn, tuổi già chỉ mong có đứa cháu nội nhưng mong chờ mãi vẫn vô vọng, nay biết sự thật ông bà rất bất ngờ. Hôm tôi trở lại Hà Nội, bố đã khuyên tôi nên xin con nuôi.
 
Chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm 2012, không chờ đợi nhưng điều gì sẽ đến lại sắp đến. Vợ tôi vẫn đều đặn uống thuốc duy trì nhưng không hiểu tại sao mấy hôm nay lại có dấu hiệu bất ổn: hay quên, nói năng không lễ phép với chính mẹ đẻ, hỏi những câu vu vơ không để làm gì cả. Tôi đã tìm hiểu rất nhiều thông tin trên mạng về việc kết hôn với người bị tâm thần, hôn nhân, gia đình với người có tiền sử tâm thần. Đọc xong thấy mình thực sự sai lầm khi không yêu cầu cô ấy khám sức khỏe trước khi cưới, giờ biết làm sao đây? 
 
Sao trước đây vợ không nói thật cho tôi biết? Vì sao gia đình bên ngoại lại giấu tôi? Tôi đã ngoài 40, cái tuổi lẽ ra phải có con cái, có hạnh phúc, nhưng hiện nay có vợ mà như không. Là người con trưởng, vẫn chưa có cháu cho ông bà nội, tôi thấy mình thật bất hiếu.
 
Qua câu chuyện buồn của bản thân, tôi muốn khuyên tất cả các bạn trẻ nếu đang chuẩn bị bước vào cuộc sống gia đình thì hãy tỉnh táo. Cho dù mình có yêu họ như thế nào, hãy tìm hiểu kỹ, hãy quyết định đúng đắn để khỏi ân hận về sau. Đừng bỏ qua giám định sức khỏe trước hôn nhân, và nếu đã lỡ như tôi thì cũng nên tìm cách tự giải phóng cho nhau. Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, tế bào có khỏe thì xã hội mới tốt được.
 
VnExpress
.