Xuất khẩu chạy nước rút
Cập nhật lúc 17:45, Thứ năm, 05/11/2015 (GMT+7)
Gần 2 tháng nữa là kết thúc năm 2015, thời điểm này các doanh nghiệp (DN) làm hàng xuất khẩu ở nhiều lĩnh vực chạy nước rút để đảm bảo kế hoạch giao hàng cả năm. Điều đáng mừng là từ đầu năm 2015 đến nay, nhiều thị trường có mức tăng trưởng kinh tế ổn định đã tạo cơ hội cho các DN có được đơn hàng tốt. ( doanh nghiệp, sản xuất, xuất khẩu)
Gần 2 tháng nữa là kết thúc năm 2015, thời điểm này các doanh nghiệp (DN) làm hàng xuất khẩu ở nhiều lĩnh vực chạy nước rút để đảm bảo kế hoạch giao hàng cả năm. Điều đáng mừng là từ đầu năm 2015 đến nay, nhiều thị trường có mức tăng trưởng kinh tế ổn định đã tạo cơ hội cho các DN có được đơn hàng tốt.
Sự bận rộn của các DN hiện nay không chỉ ở chỗ phải tập trung sản xuất để giao hàng đúng thời hạn, mà thời gian này còn phải tìm kiếm, đàm phán và ký kết các hợp đồng sản xuất cho năm mới 2016.
Tất bật giao hàng
Bà Ngô Yến Vân, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Vân (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), cho biết năm nay sản lượng hàng xuất khẩu của DN tăng khoảng 20% so với năm 2014. Tính đến tháng 10 vừa qua, doanh thu của DN đã bằng với cả năm 2014. Hiện tại, công ty đang tập trung sản xuất để giao đợt hàng cuối của năm 2015. Bà Vân cho hay, sản phẩm của DN là hàng thủ công mỹ nghệ, chuyên sản xuất các loại chậu trồng hoa bằng tôn, gỗ xuất khẩu sang châu Âu nên các đợt giao hàng trong 2 tháng 10 và 11 là cao điểm nhất để bán cho dịp lễ Giáng sinh và cuối năm. Hiện tại mỗi tháng lượng hàng xuất đi tăng thêm 2 container so với các tháng khác trong năm. Khi nhìn thấy nền kinh tế châu Âu phục hồi, năm 2014 Công ty TNHH Thiên Vân đã đầu tư thêm nhà xưởng và máy móc trị giá gần 10 tỷ đồng để nhận những đơn hàng lớn từ thị trường này.
Cũng trong lĩnh vực này, Công ty TNHH một thành viên Kiến Hưng Phát (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) cũng đang tất bật làm hàng để kịp giao. Theo Giám đốc công ty Nguyễn Văn Thiện, năm nay lượng hàng khá đều, kể từ tháng 9 vừa qua công ty đã phải cho công nhân tăng ca, lượng hàng DN đang sản xuất chủ yếu là gia công cho các đơn vị xuất khẩu tại tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh. “Khách hàng cũng nóng lòng lắm, 1-2 ngày lại gọi điện hỏi đủ hàng chưa để đến nhận” - ông Thiện nói.
Tương tự, Công ty cổ phần chế biến gỗ Hoàng Nhật Phát (huyện Long Thành) cũng đã bắt đầu phải tăng công suất hoạt động để kịp hàng giao. Giám đốc công ty Lê Hồng Phát cho hay doanh thu xuất khẩu của DN trong năm nay đạt khoảng 1,5 triệu USD, tăng 200 ngàn USD so với năm 2014.
Săn hợp đồng mới
Ở nhà máy của Công ty cổ phần Y.S, huyện Trảng Bom (trụ sở chính tại TP.Hồ Chí Minh) công nhân đang trong giai đoạn tăng tốc sản xuất, còn lãnh đạo công ty thì hối hả tìm các đơn hàng cho năm 2016. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó giám đốc công ty, cho biết DN đã ký hợp đồng sản xuất cho tháng 1-2016 và đang tiếp tục đàm phán hợp đồng những tháng tiếp theo. Là DN sản xuất bao bì dùng đóng gói hàng xuất khẩu nên Y.S phụ thuộc khá nhiều vào các DN làm hàng xuất khẩu. “Năm 2016 có lẽ kinh tế sẽ tốt hơn nữa, hợp đồng sản xuất trong tháng 1-2016 của công ty tăng 13% so với tháng 1-2015. Nếu giá xăng dầu không có biến động mạnh thì ngành sản xuất bao bì có nguyên liệu từ hạt nhựa sẽ khá thuận lợi” - ông Quyền chia sẻ.
Những ngày này, ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc DNTN Minh Phú (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), cho hay từ nay đến giữa tháng 12 -2015 ông khá bận rộn tập trung cho việc ký kết hợp đồng sản xuất. Năm 2016, DN bắt đầu mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản thay vì chỉ tập trung cho thị trường châu Âu như hiện nay. Theo ông Thịnh, việc tìm kiếm các hợp đồng xuất khẩu sang Nhật Bản không phải dễ, nhưng DN vẫn phải cố gắng để làm quen với thị trường này trước khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.
Theo Báo Đồng Nai
.