Bước vào hội nhập sâu với các hiệp định thương mại song phương và đa phương, hàng rào thuế quan dần được xóa bỏ và hình thành những thị trường phi thuế quan. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần phải nhanh chóng lập hàng rào kỹ thuật để bảo hộ cho ngành hàng trong nước. Tuy nhiên điều đó không hề dễ dàng.

 

Chia sẻ về việc lập hàng rào kỹ thuật cho những ngành sản xuất hàng tiêu dùng, ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, cho đây là việc cần thiết nhưng rất khó thực hiện, bởi DN sản xuất của Việt Nam phần lớn là DN vừa và nhỏ, sử dụng máy móc công nghệ cũ. Ông Liêm trăn trở: “Thật sự của việc tạo ra hàng rào kỹ thuật chính là nâng chuẩn chất lượng của sản phẩm lên. Như hiện nay, các DN trong nước chưa đầu tư được công nghệ máy móc tiên tiến, lại nâng chuẩn lên chẳng khác nào tự làm khó mình”.

Đồng tình với việc rất khó lập hàng rào kỹ thuật khi Việt Nam tham gia hội nhập, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Ngọc Tuấn phân tích, phần lớn hàng rào kỹ thuật là từ các nước phát triển lập ra để ngăn chặn hàng từ các quốc gia thấp hơn xuất khẩu vào mục đích là để bảo hộ sản xuất trong nước. Vì vậy, các tiêu chuẩn thường được đặt ra rất cao và khó. Trình độ sản xuất của DN Việt Nam còn ở mức thấp nên xây dựng hàng rào kỹ thuật không phải dễ. Ông Tuấn lấy ví dụ: “Cách đây vài năm, khi thép nước ngoài tràn vào mạnh, ngành thép trong nước cũng như các bộ, ngành đã tính đến việc lập hàng rào kỹ thuật là nâng chuẩn thép lên. Khi xem xét kỹ thấy phần lớn các DN và nhà máy thép trong nước có công suất nhỏ và công nghệ cũ, nếu nâng chuẩn thép lên, khó khăn đầu tiên sẽ rơi vào nhiều DN sản xuất thép trong nước dẫn đến hàng rào cũng không thực hiện được. Hàng rào kỹ thuật như con dao 2 lưỡi, sử dụng không khéo lại đứt chính tay mình”.

Cũng theo ông Tuấn, từ khi Việt Nam vào WTO, mỗi khi các thị trường khó tính đưa ra hàng rào kỹ thuật thì các DN làm hàng xuất khẩu của Việt Nam lại tìm cách vượt rào và luôn thành công. Kim ngạch xuất khẩu của các lĩnh vực nhìn chung hàng năm đều tăng. Rõ ràng bài toán hàng rào kỹ thuật chỉ mang tính tạm thời để bảo hộ hàng trong nước ở một giai đoạn ngắn giúp DN chuẩn bị sức cạnh tranh.
 

Theo Báo Đồng Nai