“Tiger hoàn toàn đứng ngoài cuộc trong vụ hôi của tại Đồng Nai. Bởi không ai dại gì đánh đổi tên tuổi của mình để đổi lấy dư luận theo hướng tiêu cực như thế”.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia marketing lại khẳng định: Các hãng bia lớn, các thương hiệu nổi tiếng không bao giờ làm điều dại dột như thế!
“Phù thủy marketing” Trần Bảo Minh, hiện là Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) nhấn mạnh: “Đây hoàn toàn là sự cố ngoài ý muốn, Tiger – một công ty nước ngoài sẽ chẳng làm thế, bởi có nhiều cách PR hay ho hơn, văn hóa hơn để làm, chứ không phải theo hướng đó”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Chiến Bình, CEO Teamwork PR cũng lưu ý: “Đây không phải cách PR của hãng bia Tiger, cũng không phải là trá hình. Tôi nghĩ: Đây chỉ là một tai nạn và từ đó, bộc lộ thói xấu của người Việt cần phải lên án. Còn về mặt thương hiệu, đối với tên tuổi lớn, dày công xây dựng, nhận được sự yêu mến của khách hàng như Tiger hay Heineken, họ sẽ không dại gì dàn dựng một “vở kịch” như vậy”.
Tuy nhiên, cũng theo ông Bình, việc hoài nghi Tiger sử dụng chiêu trò không phải là không có căn cứ. Bởi trước đây, đạo diễn truyền hình nổi tiếng Simon Cowell – cha đẻ của chương trình The X-Factor đình đám tại Anh, cũng đã từng bị truyền thông cáo buộc về việc cố tình tạo ra các chiêu trò “câu view”, lăng xê để tạo danh tiếng, kiếm lợi nhuận.
Ngoài ra, các chiêu trò “câu view” cũng xuất hiện ngày càng nhiều khi truyền thông online bùng nổ, đặc biệt là khi mạng xã hội - nơi mà mọi người có thể “bàn ra tán vào” về một sự kiện nóng của xã hội, bắt đầu nở rộ.
“Nhiều người trong giới showbiz cố tình tìm kiếm “chiêu trò” để tạo ra tiếng vang, ví dụ trường hợp cô ca sỹ Susan Boyle trong cuộc thi Britain’s Got Talent. Ông bầu nổi tiếng mát tay của giới âm nhạc Anh đã sử dụng hình ảnh “thiên nga đen” để nói về Susan, lấy cái xấu của hình thức cá nhân thành một câu chuyện để truyền thông tung hứng, mổ xẻ.
Nhưng đối với các thương hiệu lớn, không ai dại gì đánh đổi tên tuổi của mình để đổi lấy dư luận trong xã hội theo hướng tiêu cực như thế. Và trong vụ hôi của vừa qua, Tiger hoàn toàn đứng ngoài cuộc” – chuyên gia marketing Trần Chiến Bình nhận xét.
Tiger sẽ hành xử thế nào trước sự cố?
Một chuyên gia marketing khác cũng phân tích: Tất cả các thương hiệu toàn cầu, họ đều quản trị thương hiệu rất tốt. Tiger ngoài bộ máy marketing giỏi còn có giám sát người nước ngoài nữa, vì vậy, dù chỉ là manh nha trong ý tưởng, chắc chắn kế hoạch này cũng sẽ bị Tiger gạt đi, chứ đừng nói gì tới sự đồng ý của giám sát. Bởi “Nguyên tắc hành xử của tập đoàn đó là: Chỉ cần kế hoạch PR có một chút tiêu cực thôi thì mọi cái lợi dù vượt trội đều bỏ qua hết”.
“Tiger không bao giờ dàn dựng ra vở kịch đó, trừ khi là vô tình, họ sẽ dập tắt ngay hoặc im lặng” – vị chuyên gia trên nhận định về cách hành xử của Tiger trong trường hợp xảy ra vừa rồi.
Khác với Running Man, khi có một câu chuyện hay, những người làm truyền thông của sự kiện sẽ “đánh hơi” và thổi bùng nó lên thành một biểu tượng đẹp, tuy nhiên, sự cố rơi hàng của xe chở bia Tiger vừa rồi mang tính tiêu cực nhiều hơn là tích cực.
“Khi xảy ra một sự cố như vậy, tôi nghĩ, hãng bia Tiger không được lợi mà cũng không bị thiệt hại. Bởi điều đầu tiên, ai cũng biết đó là nguyên nhân khách quan. Về mặt hình ảnh, Tiger không được lợi vì nó gắn với một yếu tố không tốt. Ở đây, chỉ có truyền thông là được lợi” – một chuyên gia marketing từng làm việc tại các hãng đồ uống nổi tiếng như Coca Cola nhận định.
Theo Tri thức trẻ