(BVPL) - Theo quy định của Chính phủ, dự án 8B Lê Trực được khởi công xây dựng từ năm 2010 thuộc diện không phải xin cấp Giấy phép xây dựng khi đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Tuy nhiên, Công ty May Lê Trực vẫn phải làm thủ tục xin cấp giấy phép và bị xử lý sai phạm theo giấy phép đó. 
 
Tòa nhà 8B Lê Trực.
Tòa nhà 8B Lê Trực.
 
Công trình thuộc diện không cần Giấy phép xây dựng
 
Năm 2008, UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường Cầu Giấy - Kim Mã - Hùng Vương (đoạn từ Đại sứ quán Thụy Điển đến đường Hùng Vương) tỷ lệ 1/500 - Tại lô đất có ký hiệu L30 (khu đất của Công ty cổ phần May Lê Trực tại số 8B phố Lê Trực). Theo đó, dự án 8B Lê Trực được xác định chức năng sử dụng đất là nhà ở chung cư và được điều chỉnh cục bộ thành chức năng sử dụng đất hỗn hợp (Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê) với quy mô được phép xây dựng với chiều cao công trình tối đa là 70m và 20 tầng.
 
Đối chiếu theo điểm c, Điều 19, Nghị định 12/2009/NĐ-CP quy định các công trình xây dựng thuộc dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nhà ở có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì không cần phải xin phép xây dựng.
 
Đến năm 2012 pháp luật xây dựng có sự thay đổi khi Chính phủ ban hành Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 04/09/2012 và có hiệu lực từ ngày 20/10/2012. Trong đó, khoản 1, Điều 27 Nghị định quy định về xử lý chuyển tiếp thì: Những công trình, theo quy định trước khi Nghị định này có hiệu lực (20/10/2012) thuộc đối tượng không phải có giấy phép xây dựng, nhưng theo quy định của Nghị định này phải có giấy phép, nếu đã khởi công xây dựng thì không phải đề nghị cấp giấy phép xây dựng...
 
Như vậy, công trình 8B phố Lê Trực đã khởi công trước khi Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 của Chính phủ có hiệu lực nên công trình này thuộc đối tượng không cần có Giấy phép xây dựng.
 
Tuy nhiên, đến năm 2014, Sở Xây dựng Hà Nội lại cấp Giấy phép xây dựng cho công trình 8B Lê Trực. Điều này là trái với quy định của pháp luật. 
 
Đặc biệt, Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép xây dựng xuống chỉ còn 18 tầng, chiều cao toàn công trình là 53m, không đúng tiêu chuẩn Việt Nam về thiết kế nhà cao tầng, cấp phép bình quân 2,94m /tầng, riêng tầng 1 chỉ cao +2,6m (sau khi trừ đi sàn bê tông, dầm, thiết bị PCCC và cơ điện chiều cao thông thủy chỉ còn 1,9m). Rõ ràng, Giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng cấp không đúng quy định của pháp luật.
 
Điều tệ hại hơn nữa là khi xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng lại dựa vào Giấy phép xây dựng chứ không căn cứ vào quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được phê duyệt. 
 
Cách xử lý “vênh” với luật
 
Căn cứ theo Giấy phép xây dựng cấp cho chủ đầu tư dự án năm 2014, UBND quận Ba Đình đã xác định dự án 8B Lê Trực đã tự ý xây vượt tầng, nâng chiều cao công trình và yêu cầu chủ đầu tư phải phá dỡ phần “tự ý” này.
 
Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, công trình 8B Lê Trực thuộc diện không cần Giấy phép xây dựng và chủ dự án cũng xây dựng số tầng, chiều cao công trình theo đúng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Vì thế, khi các cơ quan chức năng xử lý vi phạm theo Giấy phép đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ chủ đầu tư và rào cản pháp luật. 
 
Mặt khác, trong văn bản ngày 3/8/2016 của UBND TP Hà Nội yêu cầu "nhà thầu phá dỡ" phần sai phạm tại dự án 8B Lê Trực phải hoàn thành phương án phá dỡ để thẩm định và phê duyệt, và giao Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính hướng dẫn UBND quận Ba Đình lựa chọn nhà thầu phá dỡ theo quy định pháp luật. Tức là tính đến ngày 3/8, phương án phá dỡ nhà 8B Lê Trực vẫn chưa có, đồng thời cũng không có nhà thầu nào được phép phá dỡ công trình.
 
Theo quy định của pháp luật, thực hiện cưỡng chế buộc phải có phương án và giải pháp phá dỡ, phải tuân theo trình tự. Khi có phương án phá dỡ rồi phải công bố cho chủ đầu tư dự án và người dân mua nhà biết để cùng giám sát, rồi xác định trách nhiệm của các bên khi cưỡng chế để quy trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra tại công trình cũng như những hậu quả rủi ro sau này. Mà với một dự án có quy mô cao tầng, lại gần khu dân cư như Tòa nhà 8B Lê Trực thì phải có phương án phá dỡ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Pháp luật cũng quy định rất rõ về điều này.
 
Ngoài ra, phương án phá dỡ công trình cũng cần phải cho chủ đầu tư biết rõ.  Tuy nhiên, ông Nguyễn Phong Cầm, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình lại trả lời rằng: "Chủ đầu tư không có quyền hỏi về phương án phá dỡ...".
 
Theo khoản 2, Điều 118 Luật Xây Dựng năm 2014 quy định: phá dỡ công trình phải được thực hiện theo phương án, giải pháp phá dỡ được phê duyệt. Như vậy, chủ đầu tư đề nghị phải có phương án phá dỡ đối với công trình 8B Lê Trực là đúng theo quy định của pháp luật.
 
Bên cạnh đó, Khoản 2.2, Điều 2 Quyết định số 32/QĐ-UBND của UBND quận Ba Đình do chính ông Cầm ký có nội dung: "...Chủ đầu tư chịu mọi thiệt hại phát sinh liên quan đến an toàn công trình, phương án cải tạo trong, sau quá trình cưỡng chế...". Từ văn bản này có thể thấy, ông Cầm đồng ý để chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm trong hoạt động này. Nên chủ đầu tư có quyền yêu cầu được xem phương án phá dỡ liên quan đến công trình tránh phát sinh các thiệt hại lớn có thể xảy ra cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của mình trước pháp luật.
 
Ông Trần Đức Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Lê Trực chia sẻ: “Chúng tôi phải "sống và làm việc theo pháp luật" nên phải tuân thủ thôi, không thể làm khác được. Chúng tôi đành phải đón nhận một cách đau xót trước những cơn bão khủng khiếp từ nhiều phía. Nhưng Phải nói đây là sự thiệt hại vô cùng thảm khốc với doanh nghiệp.Trước hết, nó đã ảnh hưởng trực tiếp tới những người dân mua nhà ở đây cũng như cuộc sống của CBCNV công ty và những người sẽ làm việc và sinh sống tại tòa nhà sau này. Đến nay, mức thiệt hại của doanh nghiệp sau sự việc này cũng phải lên tới hàng trăm tỷ đồng. Không chỉ với chủ đầu tư chúng tôi mà những người dân mua nhà ở đây cũng đang phải gánh chịu thiệt hại vô cùng lớn.”
 
Từ những thông tin nêu trên cho thấy, việc cưỡng chế, xử lý những sai phạm của công trình 8B Lê Trực còn nhiều điểm chưa đúng luật và chưa rõ ràng.  Điều này không những khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng nề mà uy tín của các cơ quan nhà nước cũng bị ảnh hưởng.
 
Mong rằng Thủ tướng chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để cùng xem xét, xử lý công khai lại vụ việc này sao cho khách quan, đúng pháp luật, tránh tình trạng oan sai cho doanh nghiệp.
 
PV
 
.