Hiện có một số ý kiến đề nghị, Bộ TT&TT cần tổ chức kiểm tra việc thực hiện phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu của một số hệ thống truyền hình trả tiền thuộc VTV để đảm bảo quyền lợi người dân.

 

Ông Nguyễn Hoài Dương – Phó Tổng giám đốc TTXVN cho biết, hệ thống truyền hình cáp analog SCTV thuộc Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (liên doanh giữa VTV và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đã từ chối phát sóng kênh Truyền hình Thông tấn VNEWS lên hệ thống này. Mặc dù TTXVN đã làm việc với SCTV và có công văn phản ánh lên Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT, nhưng SCTV lấy lý do không còn băng tần vẫn từ chối phát VNEWS lên hệ thống cáp analog.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2013 của Bộ TT&TT hôm 1/7 ông Lưu Vũ Hải – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty VTC phản ánh, hiện nay các hệ thống truyền hình trả tiền của VTV và có vốn góp của VTV vẫn chưa thực hiện phát sóng đủ 4 kênh thiết yếu của VTC. Đây là lần thứ hai ông Lưu Vũ Hải phản ánh vấn đề này lên Bộ TT&TT.

Việc VTVcab và các doanh nghiệp truyền hình trả tiền có vốn của VTV là K+ và SCTV không phát sóng đủ các kênh truyền hình thiết yếu là vi phạm quy định của Chính phủ. Đồng thời các đơn vị này đã làm ảnh hưởng đến quyền được xem các kênh truyền hình thiết yếu của hàng triệu người dân. Ước tính hiện nay số thuê bao của 3 "nhà đài" này lên đến gần 3 triệu.

Ông Lưu Vũ Hải cho rằng đây là lý do khó chấp nhận và ông Hải đề nghị, Bộ TT&TT cần phải triển khai mạnh mẽ hơn nữa việc thực thi các chính sách đã có hiệu lực về truyền hình trả tiền. Đặc biệt đề nghị Bộ TT&TT cần quản lý chặt chẽ việc phát sóng các kênh truyền hình nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay các kênh truyền hình trong nước được kiểm duyệt nội dung rất chặt, nhưng việc phát sóng các kênh truyền hình nước ngoài lại rất dễ dàng.

"Một số hệ thống truyền hình trả tiền từ chối phát các kênh truyền hình thiết yếu vì lý do hết băng tần, trong khi đó lại truyền dẫn hàng chục kênh truyền hình  nước ngoài chưa được cấp phép biên tập, biên dịch theo quy định của Chính phủ", ông Hải phát biểu.

Còn ông Nguyễn Hoài Dương đề nghị, Bộ TT&TT cần tổ chức kiểm tra việc thực hiện phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu của các hệ thống truyền hình trả tiền nói trên để chấn chỉnh và đảm bảo quyền lợi người dân.

Theo quy định của Chính phủ, có 2 loại kênh truyền hình nước ngoài muốn phát sóng trên lãnh thổ Việt Nam cần phải được cấp phép biên dịch. Cụ thể: biên dịch 100% nội dung kênh chương trình phim truyện; biên dịch 100% chương trình phóng sự, tài liệu của kênh tổng hợp, giải trí tổng hợp, kênh thể thao, kênh ca nhạc. Tính đến tháng 6/2013, mới có 29 kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép theo quy định này.

Bộ TT&TT cũng quy định có 10 kênh truyền hình thiết yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu bao gồm: 4 kênh do VTV sản xuất là VTV1; VTV2; VTV4; VTV5; 4 kênh do VTC sản xuất gồm VTC1; VTC10; VTC14; VTC16; kênh VNEWS do TTXVN sản xuất và kênh truyền hình AnninhTV do Bộ Công an sản xuất. Theo quy định của Chính phủ, 10 kênh truyền hình thiết yếu này phải được cung cấp trên tất cả các hệ thống truyền hình trả tiền ở nước ta.

Theo khảo sát của ICTnews mới đây, Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (vtvcab.vn), trong mục bảng kênh truyền hình cáp của nhà cung cấp này chỉ có logo của kênh truyền hình thiết yếu VTC1 của VTC.

Tại trang kplus.vn của Truyền hình số vệ tinh K+ (VTV là một trong hai thành viên góp vốn), trong danh sách kênh của 3 gói dịch vụ của K+ chỉ phát sóng kênh VTC10 của VTC.

Tại trang sctv.vn thuộc Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (liên doanh giữa VTV và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Bảng kênh của dịch vụ truyền hình cáp không có logo của 4 kênh truyền hình thiết yếu của VTC và kênh VNEWS.
 

Theo Minh Quyên
ICTNew

.