Thiếu vốn: Rào cản buộc chân các tiệm tạp hóa

Rất khó để trả lời chính xác vận hành một cửa hàng tạp hóa cần bao nhiêu vốn, song theo kinh nghiệm của những người trong nghề, nếu xác định đây là công việc chính trong gia đình, kinh phí có thể lên tới 100, thậm chí là 200 triệu, riêng cho việc nhập hàng. Đây là khoản đầu tư không nhỏ với nhiều gia đình bởi không nhiều nhà phân phối sẵn sàng cho “mua chịu”, nhất là vào dịp cao điểm cuối năm.

Cũng bởi vốn mỏng mà nhiều tiệm tạp hóa đành lực bất tòng tâm, đứng ngoài cuộc mùa mua sắm sôi động nhất năm - Tết Nguyên đán - dù lúc này, tất cả hệ thống siêu thị hay các cửa hàng lớn đều đang khẩn trương dự trữ hàng hóa để tận dụng triệt để cơ hội “hốt bạc”.

“Vốn luôn là rào cản lớn nhất, nó giống như sợi dây buộc chân các tiệm tạp hóa”, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận định.
leftcenterrightdel

Chương trình Ứng vốn từ VinShop giúp các chủ tạp hóa như “nắng hạn gặp mưa rào”, bớt nỗi lo nguồn vốn nhập hàng Tết. 

Tuy nhiên, với 30.000 tiệm tạp hóa vừa gia nhập hệ thống VinShop, nỗi lo đó sẽ được xóa bỏ khi ứng dụng kết nối tiệm tạp hóa và nhà sản xuất này vừa ra mắt chương trình ứng vốn dành cho đối tác. Theo đó, mỗi đối tác sẽ được VinShop cho ứng tối đa 70 triệu đồng để nhập hàng với lãi suất 0% tối đa 40 ngày. Thông tin này được nhiều chủ tiệm tạp hóa đón nhận rất hào hứng.

“Chỉ cần vài thao tác qua ứng dụng trên điện thoại là đã có thể tạm ứng được vốn. Đơn giản, gọn nhẹ như việc nhập hàng qua VinShop vậy”, cô Mai Tuyết, chủ một cửa hàng tạp hóa tại Hà Nội phấn khởi chia sẻ.

Chuyên gia Mỹ Loan cho rằng sáng kiến của VinShop và Techcombank là một đột phá của thị trường bán lẻ Việt Nam bởi từ trước đến nay rất ít ngân hàng thiết kế các gói vay chuyên biệt dành cho hộ kinh doanh tạp hóa. Nếu có thì lãi suất thường khá cao và thủ tục vay vốn cũng phức tạp khiến họ chùn bước.

“Chương trình sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong cuộc ‘vượt khó’ hậu COVID-19, giúp các tiểu thương tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng kinh doanh một cách an toàn và bền vững”, vị chuyên gia đầu ngành về bán lẻ đánh giá.

“Vẽ lại chân dung” thị trường bán lẻ thời công nghệ

Theo thông tin, “món ăn” mới được bổ sung vào “thực đơn” của VinShop là sản phẩm hợp tác giữa Tập đoàn One Mount Group (một thành viên của Vingroup) và Techcombank. Được triển khai chỉ hơn một tháng sau khi ứng dụng ra mắt, chương trình này đang khiến các đối tác của VinShop “phấn chấn cực độ” khi được hỗ trợ vốn nhập hàng miễn phí lãi suất tới 40 ngày.

Theo chuyên gia Đinh Thị Mỹ Loan, với bước đi này, One Mount Group đã ghi tên mình vào danh sách những doanh nghiệp tiên phong trên thị trường bán lẻ châu Á.

Ở một số nước châu Á, giải pháp “ứng vốn” như VinShop và Techcombank ra mắt đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ. Tại Indonesia, ứng dụng Bukuwarung có thể xem là một “bà đỡ” cho hàng trăm nghìn cửa hàng tạp hóa cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy đóng góp hơn 60% trong 1.000 tỷ USD GDP của quốc gia vạn đảo nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có các tiệm tạp hóa gần như bị các tổ chức tín dụng “bỏ quên” nên có rất ít cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tài chính chất lượng.  

“Chúng tôi dự kiến tung ra các giải pháp thanh toán và cho vay để tăng cường hơn nữa vốn lưu động cho các đối tác, những người đang cần thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19”, đồng sáng lập Bukuwarung, Chinmay Chauhan nói với Tech in Asia.

Tại Philippines, trước sự trỗi dậy của thương mại điện tử và các nhà bán lẻ lớn khiến thị phần của kênh bán lẻ truyền thống bị “bào mòn”, Growsari đã ra đời, góp phần giảm bớt những khâu trung gian và tăng thu nhập cho các cửa hàng tạp hóa. Không chỉ cho phép các tiệm tạp hóa đặt mua tới 4.000 mặt hàng tiêu dùng với giá gốc trực tiếp từ nhà sản xuất và được giao hàng chính hãng miễn phí ngay ngày hôm sau, Growsari còn dành những khoản vay nhỏ cho các chủ tiệm tạp hóa để mở rộng kinh doanh.

Tương tự, ở Ấn Độ, các kênh bán lẻ hiện đại và thương mại điện tử dù phát triển nhảy vọt nhưng vẫn không làm lung lay vị thế của các cửa hàng tạp hóa khi các cửa hàng này được tích hợp công nghệ, tối ưu quy trình bán hàng và đặc biệt là hưởng lợi từ dịch vụ hỗ trợ tài chính của các doanh nghiệp như StoreKing. Nền tảng này hiện đã kết nối được hơn 50.000 đối tác cửa hàng và khoảng 800 triệu khách hàng thường xuyên. 

Để làm được “điều phi thường” hỗ trợ hàng trăm nghìn người buôn bán nhỏ lẻ, các nền tảng như Bukuwarun, Growsari hay StoreKing đều có sự hẫu thuẫn của những “đại gia” tài chính. Đơn cử, đứng sau Bukuwarun là hàng loạt quỹ đầu tư tên tuổi như như East Ventures, AC Ventures, Golden Gate Ventures, Tanglin Venture Partners… với tổng số vốn huy động chỉ sau hơn một năm đã lên tới chục triệu USD.

leftcenterrightdel

Tăng trưởng ấn tượng, VinShop được kì vọng tạo bước ngoặt trên thị trường bán lẻ truyền thống. 

Từ kinh nghiệm quốc tế, chuyên gia Đinh Thị Mỹ Loan cũng cho rằng, đây là một “cuộc chơi” lớn, rất tốn kém nên đòi hỏi cả năng lực công nghệ và tiềm lực tài chính dài hơi của các bên tham gia. Theo tính toán, nếu toàn bộ 30.000 đối tác của VinShop tham gia “ứng vốn” với mức tối đa 70 triệu đồng/lần thì tổng kinh phí hỗ trợ sẽ lên đến hơn 2.000 tỷ đồng.

Tại Việt Nam, việc hợp tác giữa One Mount Group cùng Techcombank có thể coi là sự đảm bảo vững chắc cho mô hình này. Cũng theo Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, khi được tích hợp công nghệ và tiếp sức về tài chính, kênh truyền thống sẽ cộng hưởng cùng kênh hiện đại, trở thành hai gọng kìm đủ mạnh để cạnh tranh, giữ vững thị phần nội địa trước cuộc “xâm lăng” của các nhà bán lẻ ngoại binh.

“Không chỉ là mô hình tiên phong, VinShop còn mở ra triển vọng ‘vẽ lại chân dung’ của thị trường bán lẻ Việt Nam thời 4.0”, nữ chuyên gia kỳ cựu nhận định. 

 

PV