Trong 10 năm qua, đội ngũ doanh nhân đã lớn mạnh và được xác định là lực lượng chủ lực, chủ công trong công cuộc chấn hưng đất nước.

Ngày 13/10, cộng đồng doanh nhân Việt long trọng kỷ niệm 10 năm Chính phủ quyết định chọn ngày 13/10 làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”. Điều đáng vui mừng là sau chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang có nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của việc chuyển giao thế hệ cho đội ngũ doanh nhân kế cận.

Năm 2004, người đứng đầu Chính phủ lúc bấy giờ là Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định chọn ngày 13/10 làm “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Vậy là từ bức thư mà Bác Hồ gửi cho giới công thương ngày 13/10/1945, “Ngày Doanh nhân Việt Nam” đã chính thức tạo nên “một điểm tựa tinh thần” và giúp cộng đồng doanh nhân Việt chính thức có tên trong từ điển tiếng Việt khi thoát khỏi danh xưng “con buôn” từ một thời bao cấp. Và đến nay, để khích lệ tinh thần kinh doanh, Chính phủ đã có hẳn Nghị quyết 09 về doanh nhân. Vai trò quan trọng của doanh nhân cũng được công nhận khi lần đầu tiên, doanh nhân được định danh cho Hiến pháp 2013.

 

1
Đội ngũ doanh nhân ngày càng có nhiều đóng góp cho đất nước (Ảnh minh họa - báo Tin tức)


Trong 10 năm qua, đội ngũ doanh nhân đã lớn mạnh và được xác định là lực lượng chủ lực, chủ công trong công cuộc chấn hưng đất nước. Điều đáng mừng là qua giai đoạn doanh nghiệp phát triển đầy hứng khởi 2004 – 2008, thì giai đoạn sau đó, dưới ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nhân đã nhận thấy sự phát triển này có phần dễ dãi và thiếu căn cơ. Doanh nghiệp chủ yếu dựa trên nguồn tín dụng giá rẻ, đầu tư quá mức vào khu vực tài chính và bất động sản mà ít chú ý đến các yếu tố nền tảng về chiến lược doanh nghiệp và quản trị.

Chính vì vậy, sau khi vất vả đương đầu với ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, phần lớn doanh nhân Việt trụ vững trong bối cảnh này đã trải qua sàng lọc, trở nên, cẩn trọng và trưởng thành hơn. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp thành đạt đã có thời gian “dừng lại” để nghĩ đến việc đào tạo đội ngũ kế cận.

Đây là sự chuyển biến về nhận thức không hề dễ dàng. Ví dụ như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, là thế hệ đầu tiên đạt giải thưởng doanh nhân tiêu biểu Sao Đỏ. Vì không muốn mình trở thành cái bóng quá lớn trong mọi việc, nên ông đã chủ động rút khỏi vị trí điều hành tại FPT từ năm 2009, mở đường cho thế hệ lãnh đạo kế cận. Song câu chuyện lùm xùm xung quanh việc chuyển giao cái ghế Tổng Giám đốc FPT cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp thất bại, cũng làm ông chạnh lòng.

Nhưng nhiều doanh nhân Việt Nam vẫn đang kiên trì tiếp nối con đường của ông Trương Gia Bình, như bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dược Hậu Giang. Bà là một trong 5 doanh nhân xuất sắc đoạt giải thưởng Bản lĩnh Doanh nhân lập nghiệp Việt Nam 2014, trong khuôn khổ của giải thưởng doanh nhân Earnst & Young toàn cầu, có lịch sử 28 năm qua, tại 60 quốc gia. Bà Phạm Thị Việt Nga cho biết, hiện nay bà đã lui về hậu trường, chỉ làm nhiệm vụ phản biện quyết sách để đào tạo đội ngũ kế cận.

Thực tiễn kinh doanh trên thế giới cho thấy rằng, trong 500 thương hiệu công ty thành công lớn nhất, thì phần lớn là Công ty theo mô hình kế cận truyền thống. Có thể điểm đến như Walmart, Hermes, P&G. Gần hơn, ở các nước châu Á, không thể không kể đến Toyota, Samsung, Sony, Hyundai… Câu thành ngữ xưa: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” rõ ràng chỉ là một nét văn hóa chứ không phải là chân lý trong một nền kinh tế hội nhập. Điều mà nền kinh tế Việt Nam đang thiếu là “giấc mơ” doanh nghiệp hàng trăm tuổi. Và điều đó phải bắt đầu từ thế hệ doanh nhân F2 hiện nay.

Kể từ “Ngày doanh nhân Việt Nam” 13/10/2004, trong 10 năm qua, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã bươn chải để bước đầu hình thành những tấm gương doanh nhân vượt khó, những thân cây lớn mạnh đón gió hội nhập. Với việc bắt đầu nhận thức, chăm lo đào tạo đội ngũ kế cận, họ đang từng bước thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người. Như lời của Bác, đây là trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang. Với những động thái của thế hệ doanh nghiệp lập nghiệp 10 năm qua, đất nước đang đặt niềm tin và kỳ vọng thế hệ doanh nhân F2, những người có tinh thần dám ra biển lớn, dám vượt trùng khơi với sự hậu thuẫn vững chắc của thế hệ đi trước./.
 

Theo VOV

.