Thương nhân sẽ tham gia phân phối xăng dầu theo hình thức mua đứt bán đoạn và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu.

 


Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Dự thảo Nghị định mới đã tạo ra quy chế để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu một cách rõ ràng. Giá tăng đến mức độ nào đó mới được sử dụng quỹ để bình ổn giá trong nước. Quy định này tạo cơ chế sử dụng Quỹ và để giá trong nước luôn bám sát giá thế giới.

Chỉ có Chính phủ mới có quyền quyêt định bình ổn giá xăng dầu trong nước và giao trách nhiệm cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phối hợp triển khai thực hiện biện pháp bình ổn giá trong thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá.

Một điểm thay đổi rất mới trong Dự thảo Nghị định là cho phép mở thêm hai đối tượng kinh doanh xăng dầu mới là thương nhân phân phối xăng dầu hoạt động theo hình thức mua đứt bán đoạn và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoạt động theo pháp luật về nhượng quyền thương mại. Với việc có nhiều đối tượng thương nhân cùng tham gia hoạt động kinh doanh xăng dầu, tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu sẽ được nâng cao hơn.

Tại Dự thảo Nghị định mới có riêng 1 điều về công khai, minh bạch trong điều hành giá và kinh doanh xăng dầu. Trong đó quy định trách nhiệm công bố thông tin kinh doanh xăng dầu của các bộ, các doanh nghiệp.

Ví dụ, Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát việc điều hành giá xăng dầu, giám sát mức trích lập, mức sử dụng Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp; Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố công bố giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành…; thương nhân đầu mối có trách nhiệm công bố về giá bán lẻ hiện hành, số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá hàng tháng, báo cáo tài chính trong năm tài chính khi đã được kiểm toán…/.
 

Theo Báo Công Thương

.