Sáng 1/6, Chính phủ bắt đầu phiên họp thường kỳ tháng 5 kéo dài 2 ngày. Chủ trì phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tập trung công tác xây dựng thể chế; điều hành giá các mặt hàng thiết yếu trong thời gian tới với yêu cầu không tăng giá bán lẻ điện, không tăng phí BOT trong năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ đã bổ sung 21 thành viên mới được 2 tháng. Trong thời gian đó, các thành viên Chính phủ đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, quyết liệt bắt tay vào việc.

Các thành viên Chính phủ đã tập trung vào công tác xây dựng, ban hành thể chế, chính sách với tinh thần đổi mới, bám sát thực tiễn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như tập trung giải quyết các vấn đề nảy sinh như hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, thủy hải sản chết hàng loạt ở một số tỉnh miền Trung, ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân…

“Có vấn đề về đạo đức công vụ”

 

 Đây là phiên họp thường kỳ thứ 2, sau 2 tháng nhậm chức của phần lớn các thành viên Chính phủ (ảnh: Chinhphu.vn).
Đây là phiên họp thường kỳ thứ 2, sau 2 tháng nhậm chức của phần lớn các thành viên Chính phủ (ảnh: Chinhphu.vn).


Theo thông tin phản ánh từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trong buổi làm việc sáng nay, Chính phủ thảo luận về công tác xây dựng thể chế.

Thủ tướng nhắc lại quan điểm đã được Chính phủ xác định tại phiên họp thường kỳ tháng 4 là quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân để nhân dân có cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn, an toàn hơn. Trong đó, tập trung giải quyết các điểm nghẽn về thể chế.

Thủ tướng đặt vấn đề, đất nước chưa thể phát triển mạnh có nguyên nhân quan trọng là chưa tạo được hiệu quả cần thiết trong cải cách hành chính, bộ máy, thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Bộ máy hành chính các cấp chưa tạo môi trường tốt cho sự phát triển, cái chính là pháp luật còn ràng buộc, tính minh bạch hạn chế. Thủ tướng cũng nhận định có vấn đề về đạo đức công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, bộ máy cán bộ công chức nơi này, nơi khác…

Nhấn mạnh vai trò của thể chế, Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm những điểm nghẽn, những “món nợ” về thể chế của Chính phủ cũng như hướng khắc phục, những vướng mắc cần tháo gỡ, đặc biệt là trong việc thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

Báo cáo về vấn đề tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết “tình hình rất đáng lo ngại”.

Tính đến ngày 31/5, theo thống kê, Chính phủ cần phải ban hành 51 văn bản hướng dẫn, nhưng mới ban hành được 14 văn bản, còn 37 văn bản chưa được ban hành. Trong đó 11 văn bản đã xây dựng xong dự thảo và đang trong quy trình xử lý, số văn bản chưa trình là 26.

Ngoài ra, còn 91 thông tư và 13 thông tư liên tịch chưa được ban hành. Tuy nhiên, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề liên tịch thuộc thẩm quyền của nhiều bộ phải được ban hành trong nghị định của Chính phủ, tức là tăng thêm 13 dự thảo nghị định cần được xây dựng, ban hành.

Với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, cần ban hành tổng cộng 49 nghị định hướng dẫn thi hành.

Kiểm soát lượng phí thu được, thời gian hoàn vốn BOT

 

 Thủ tướng chỉ đạo không tăng giá bán lẻ điện, tăng phí BOT đường bộ trong năm 2016.
Thủ tướng chỉ đạo không tăng giá bán lẻ điện, tăng phí BOT đường bộ trong năm 2016.


Buổi chiều ngày 2/6, Chính phủ sẽ thảo luận về báo cáo kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành giá năm 2015, các tháng đầu năm 2016 và phương hướng điều hành giá năm 2016.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý phương hướng điều hành giá thời gian tới cần tôn trọng nguyên tắc là theo cơ chế thị trường, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, quản lý tốt lộ trình điều chỉnh giá, kiểm soát chặt chẽ chi phí, không sử dụng mệnh lệnh hành chính để kiểm soát giá.

Thủ tướng nêu yêu cầu, việc dự báo sát tình hình, đánh giá đúng tác động của điều chỉnh giá, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để tránh biến động giá do yếu tố tâm lý. Theo đó, các bộ ngành cần phải có các kịch bản điều hành giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu mà Quốc hội đã thông qua.

Về giá xăng dầu, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu với tinh thần bám sát giá thị trường thế giới, kiểm soát chặt chẽ chi phí, sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn giá.

Thủ tướng cũng yêu cầu, không tăng giá bán lẻ điện trong năm 2016, không thành lập Quỹ bình ổn giá điện và không tăng phí BOT đường bộ.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải sớm tổng kết và báo cáo về vấn đề tổng vốn đầu tư, kiểm soát số lượng xe, thời gian hoàn vốn ở các dự án BOT.

Về giá dịch vụ y tế, Thủ tướng thống nhất quan điểm xây dựng lộ trình, bước đi phù hợp, không điều chỉnh đồng loạt cả 63 tỉnh, thành phố; Bảo đảm giá dịch vụ y tế phải tương xứng với chất lượng khám chữa bệnh. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương trình phương án đấu thầu tập trung đối với thuốc dùng cho bảo hiểm y tế. Mục tiêu là để giảm giá thuốc cho người bệnh.

Về một số mặt hàng khác như lương thực, thực phẩm, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là bình ổn giá cả, không để tăng giá đột biến do thiếu hàng. Thủ tướng cũng quyết định giữ nguyên biện pháp quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đến quý IV năm nay, để bình ổn giá mặt hàng này.

 

Theo Dân trí
 

.