Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ban, ngành phải xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả...
 


Đồng thời, chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm; tạo lập liên kết ngành, vùng, giữa doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp lớn, phát triển bền vững; bảo đảm không phân tán nguồn lực và hiệu quả hoạt động hỗ trợ...

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hoàn thiện các thủ tục pháp lý để trong thời hạn sớm nhất đưa Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào hoạt động để tăng thêm khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận các doanh nghiệp để tư vấn cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả; khuyến khích các ngân hàng thương mại áp dụng các hình thức đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp để tăng cường khả năng cho vay tín chấp, cơ cấu lại các khoản vay vốn lãi suất cao trước đây.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước phải triển khai chương trình cho vay thí điểm mô hình liên kết sản xuất, áp dụng khoa học và công nghệ cao, liên kết trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu với lãi suất hợp lý; tạo thuận lợi cho sự tham gia của vốn tín dụng ngân hàng vào chuỗi liên kết sản xuất - thu mua - tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu của ngân hàng; đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại phát triển hình thức cho thuê tài chính, hỗ trợ các doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất trong điều kiện khó khăn về vốn, hạn chế khả năng đọng vốn vào tài sản cố định, giúp doanh nghiệp nhanh chóng đổi mới công nghệ.

Tăng cường công tác quản lý thị trường

Cũng theo Chỉ thị, Bộ Công Thương phải tăng cường công tác quản lý thị trường, giúp cho doanh nghiệp trong nước có môi trường cạnh tranh lành mạnh; có biện pháp kiên quyết xử lý hàng nhái, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng xấu đến tính lành mạnh của thị trường.

Thực hiện quản lý và có cơ chế hỗ trợ lĩnh vực quản lý thị trường nội địa, giúp sản phẩm và doanh nghiệp trong nước có cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng ở cấp độ toàn cầu; định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu đối phó với chính sách bảo hộ sản xuất trong nước của các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp phải thực hiện sản xuất, kinh doanh, đầu tư, nghĩa vụ của doanh nghiệp theo đúng pháp luật; chủ động trong việc quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh…

Năm 2014, phải trình Chính phủ giải pháp hỗ trợ thuế

Thủ tướng cũng yêu cầu, trong Quý II/2014, Bộ Tài chính phải hoàn thiện hướng dẫn về ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2013. Trong năm 2014, Bộ phải trình Chính phủ giải pháp hỗ trợ thuế hoặc cơ chế thanh toán bù trừ đối với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn về vốn do nguyên nhân tồn kho, chưa được thanh quyết toán, giảm mức phạt chậm nộp thuế.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phải thực hiện ngay việc hướng dẫn, triển khai thực hiện Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại; tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hoá, hiện đại hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế (hoàn thuế, truy thu thuế,…) và hải quan (thông quan điện tử hải quan, áp giá và áp mã hàng hóa,…); tiếp tục chỉ đạo phát triển thị trường chứng khoán để doanh nghiệp huy động được các nguồn vốn cho đầu tư, phát triển./.
 

Theo VOV online

.