Việc Chính phủ quyết định cho phép Tổng Công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn toàn bộ tại 10 doanh nghiệp (DN), trong đó có những cái tên “đình đám” như Vinamilk, FPT làm dấy lên sự quan tâm của dư luận…



Điều dư luận quan tâm nhất hiện nay là giả sử việc thoái vốn 10 DN trên mang về hơn 3 tỷ USD, thì số tiền này được sử dụng thế nào?

Nhìn lại câu chuyện cả tuần qua, thấy “dấy” lên đồn đoán cho rằng, rất có thể khoản tiền bán vốn tại 10 DN khủng này sẽ được đem vào phục vụ chi tiêu (đã có lời nhắc khéo đến khoản nợ 30.000 tỷ đồng Bộ Tài chính vừa phải mượn tạm từ Ngân hàng Nhà nước, đồng thời nhấn mạnh áp lực nợ công phải trả - PV). Tuy nhiên, ông Phạm Viết Muôn, Phó Ban đổi mới phát triển doanh nghiệp (đơn vị trực tiếp phụ trách cổ phần hóa DNNN) khẳng định: Hoàn toàn không có việc Chính phủ Việt Nam thoái vốn để trả nợ nước ngoài trong giai đoạn 2015 - 2016. “Bởi lẽ, Chính phủ cũng đã xây dựng kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để thực hiện việc đảo nợ”, ông Muôn nói.

“Đằng sau quyết định này có liên quan đến tình hình ngân sách hiện nay, trong đó Chính phủ dự kiến dùng tiền từ bán tài sản để đầu tư phát triển hạ tầng”, đó là nhận định của Công ty Chứng khoán HSC. Còn nói với PV Tiền Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân sách (Bộ Tài chính) ông Nguyễn Minh Tân cũng nhắc lại rằng, số tiền bán vốn thu về đã được dự tính đưa vào dự toán đầu tư cho an sinh xã hội mà cụ thể là xây bệnh viện.

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, một khi họ (chỉ các DN) đã làm tốt và là lĩnh vực có nhiều đơn vị tham gia thì nên thu vốn về để đầu tư vào những việc khác Nhà nước cần phải nắm giữ như an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hạ tầng cơ sở. Theo ông Tiến, SCIC là đơn vị thay mặt Nhà nước đi đầu tư, đơn vị này sẽ có trách nhiệm lên kế hoạch sử dụng vốn tập trung nguồn lực lại để đầu tư vào những  lĩnh vực mà Chính phủ quy định.
 

 

Theo Tiền phong

.