(BVPL) - Hàng loạt doanh nghiệp (DN) vừa gửi đơn kiến nghị tập thể lên Thủ Tướng cho rằng nếu áp thuế 5% trứng Artemia và sắp tới là 3% sẽ “đẩy” họ đến nguy cơ đóng cửa. Cùng với đó, ngành tôm Việt Nam sẽ đứng trước thách thức khi chất lượng tôm giảm sút, theo đó sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của ngành.
 
 
Quan chức hải quan “chối bỏ” trách nhiệm?
 
Ông Thuận cho biết: “Công ty tôi nhập mặt hàng trứng Artemia đã 2 năm nay. Khi nhập mặt hàng, công ty tôi được các cán bộ hải quan hướng dẫn kê khai. Chứ chúng tôi không thể nào tự kê khai được”. (Công ty này, 2 năm qua, vẫn được hướng dẫn kê khai mặt hàng trứng Artemia (thức ăn cho tôm và cá giống) với mức thuế là 0%). “Thế nhưng từ đầu năm đến nay khi nhập mặt hàng này, cán bộ hải quan lại không đồng ý với cách kê khai cũ thay vào đó là đổi mã và áp thuế 5%. Khiến chúng tôi rất bất ngờ và choáng váng” - ông Thuận nói thêm.
 
Cũng theo ông Thuận, để sự việc này xảy ra, việc đầu tiên phải truy trách nhiệm của cán bộ hải quan. DN không có gì sai trong vấn đề này. Trong trường hợp DN mà sai chỉ là nếu DN nhập mặt hàng trứng Artemia mà sử dụng ở mục đích khác chứ không phải là nuôi tôm và cá giống. DN nuôi tôm thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn, bây giờ thuế lại liên tục thay đổi như thế này thì rất khó để DN phát triển được.
 
Trong buổi làm việc với ông Nguyễn Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Hải quan TP.HCM, lại cho rằng trách nhiệm này thuộc về phía DN.
 
Theo ông Tuấn: “Theo luật thì các DN khi định nhập mặt hàng nào thì phải căn cứ vào danh mục hàng hóa và biểu thuế của Việt Nam đang có hiệu lực (chứ không phải căn cứ theo mã nước khác) để kê khai cho đúng. Và DN phải chịu trách nhiệm với sự kê khai này của mình. Chi cục Kiểm tra sau thông quan luôn tạo điều kiện để doanh nghiệp lấy được hàng sớm. Trong vòng 5 năm, Chi cục Kiểm tra sau thông quan sẽ kiểm tra lại và nếu thấy có sai phạm thì sẽ xử lý”.
 
Ông Tuấn cho rằng những DN kê khai sai trong thời gian qua, bây giờ sẽ bị áp mức thuế 5% và truy thu. Trách nhiệm này là thuộc về các DN chứ không phải là Chi cục Kiểm tra sau thông quan.
 
Trong thời gian qua, ngành tôm của nước ta đã gặp rất nhiều khó khăn do nguyên liệu không ổn định, hạn hán, xâm nhập mặn. Nếu các DN lại truy thu người nuôi thì chắc hẳn ngành nuôi tôm sẽ gặp vô vàn khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu của ngành.
 
Đã có rất nhiều bài báo “kêu” về những khó khăn mà DN tôm đang gặp phải. Trước tình hình này, các quan chức sẽ làm gì để chung tay cứu DN? Hay thờ ơ mặc cho DN “sống chết mặc bay”.
 
Bản thân các DN cũng mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền, ngồi lại nghe các DN chia sẻ về những khó khăn mà họ đang gặp phải. Qua đó, có thể có được những quyết định đúng đắn để hỗ trợ DN phát triển, không nên “nhắm mắt” thực hiện, đẩy DN vào tình thế khó khăn, đứng trên bờ vực phá sản.
 
 
Nguyễn Trinh
.