Diện tích các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã lấp đầy và hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn đang phải loay hoay với bài toán thiếu mặt bằng sản xuất.
 
 
Đà Nẵng hiện có trên 17.000 doanh nghiệp (DN), trong đó DN quy mô vừa và nhỏ chiếm khoảng 97%, đang hoạt động với số vốn đăng ký khoảng 90.000 tỷ đồng. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố, đa phần các DN thiếu mặt bằng sản xuất ổn định, phải sản xuất kinh doanh tạm bợ ngay tại trung tâm thành phố, gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến môi trường dân cư. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của DN mà còn đi ngược lại tiến trình phấn đấu Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” trong tương lai.
 
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty Sản xuất-Thương mại-Xuất nhập khẩu Hương Quế bày tỏ: “Hơn 10 năm qua, chúng tôi vẫn sản xuất hàng hóa trong một con hẻm nằm sâu trong khu dân cư của phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu với diện tích khá khiêm tốn đi thuê lại của nhiều nhà dân. Mặc dù quy mô sản xuất nhỏ nhưng sản phẩm của Hương Quế đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Hungary... Nhưng với chu trình sản xuất không khép kín như hiện nay với 9 nhà xưởng, văn phòng, kho bãi... chật, hẹp nằm cách xa nhau, DN đã mất điểm trong mắt nhiều đối tác khi đến tham quan, ký kết hợp đồng”.
 
Tình trạng DN không đủ điều kiện vào hoạt động trong các khu công nghiệp (KCN) như Hương Quế không phải ít, khi có hơn 500 DN nhỏ và siêu nhỏ đang hoạt động xen kẽ trong các khu dân cư. Tình trạng các cơ sở, DN thường xuyên bị người dân phản ánh về ảnh hưởng môi trường đã được nhắc đến rất nhiều trong các buổi đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và DN, đến nay vẫn chưa thể giải quyết.
 
Vấn đề mặt bằng sản xuất cho các DN nhỏ và siêu nhỏ luôn là áp lực lớn đối với chính quyền địa phương. Thành phố hiện có 6 KCN tập trung, với diện tích trên 1.000ha, gần như đã lấp đầy. Rất nhiều DN trong các KCN cũng không có quỹ đất để mở rộng quy mô và năng lực sản xuất kinh doanh.
 
Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu sản xuất kinh doanh của DN, thành phố Đà Nẵng đang triển khai quy hoạch thêm 4 KCN mới, với diện tích trên 1.600ha, gấp rưỡi diện tích của các KCN hiện tại. Cụ thể, từ nay đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ xây dựng 4 KCN: KCN Hòa Cầm (giai đoạn 2) có diện tích gần 180ha, KCN Hòa Nhơn có diện tích gần 550ha, KCN Hòa Ninh có diện tích gần 700ha, KCN Hòa Sơn có diện tích 227ha. Công tác lựa chọn chủ đầu tư KCN sẽ hoàn thành trong năm 2016. Việc mở rộng KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 sẽ hoàn thành trong năm nay, KCN Hòa Nhơn hoàn thành tháng 6-2017, KCN Hòa Sơn và KCN Hòa Ninh sẽ hoàn thành trong năm 2017.
 
Ông Lê Tuấn Khanh, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và xây dựng (Ban Quản lý các KCN và chế xuất thành phố) cho hay: Các KCN này được đầu tư theo phương thức xã hội hóa. Thành phố có chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư kinh doanh hạ tầng, trong đó ưu tiên các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng.
 
Ngành nghề ưu tiên là công nghiệp sạch, ít ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, sẽ quy hoạch riêng một khu vực khoảng 30ha trong KCN Hòa Cầm và khoảng 30ha trong KCN Hòa Nhơn, để bố trí cho các DN vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng đã đề xuất các KCN Hòa Nhơn, Hòa Sơn và Hòa Ninh, quy hoạch thêm nhiều phân khu (khoảng 100ha/phân khu) để kêu gọi các nhà đầu tư dành riêng cho từng nước như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... nhằm định hướng xây dựng các KCN thân thiện với môi trường.
 
Ngoài 4 KCN mới, thành phố cũng đã có chủ trương quy hoạch một số cụm công nghiệp nhỏ dành cho DN nhỏ và siêu nhỏ. Đến nay, Sở Công thương thành phố đã hoàn thành dự thảo để tham mưu trình thành phố về quy hoạch nói trên. Cụ thể, sẽ có 8 cụm công nghiệp nhỏ được đề xuất tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu...
 
Với chủ trương quy hoạch thêm các KCN và cụm công nghiệp, hy vọng đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu thực tế của cộng đồng DN Đà Nẵng. Đây cũng là cơ sở để Đà Nẵng phát triển ngành công nghiệp mạnh hơn trong bối cảnh Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại có lợi cho DN sản xuất và xuất khẩu.
 
 
Theo Duyên Anh
(Báo Đà Nẵng)
.