Tại buổi họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ Tài chính diễn ra ngày 9/10, tại Hà Nội, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết trong tám tháng vừa qua, ngành thuế đã thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách được trên 39.000 doanh nghiệp, truy thu trên 7.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 5.278 tỷ đồng.
 

 Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)


Cơ quan thuế đã thanh tra 1.958 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, truy thu 1.317 tỷ đồng, giảm lỗ 4.129 tỷ đồng và giảm khấu trừ thuế 82,8 tỷ đồng.

Theo ông Cao Anh Tuấn, Bộ Tài chính đã có Đề án về triển khai công tác chống chuyển giá. Qua rà soát, cơ quan thuế đã tổng hợp các dấu hiệu chống chuyển giá, đặc biệt là các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Tổng cục Thuế đã phát hiện một số doanh nghiệp kê khai lỗ do vay vốn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lớn hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên, vốn vay này đều là công ty mẹ hoặc công ty thành viên thuộc công ty mẹ ở nước ngoài hỗ trợ. Do đó số lỗ của công ty tại Việt Nam chính là số lãi của công ty mẹ ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, ngành thuế cũng phát hiện trường hợp kê khai lỗ do nâng giá thiết bị đầu vào, nâng giá nguyên liệu, hương liệu mua vào từ các công ty có giao dịch liên kết và công ty mẹ ở nước ngoài. Các trường hợp này được xem là có hoạt động chuyển giá.

"Qua đó, chúng tôi nhận định một số tiêu chí nhận dạng doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, dấu hiệu liên kết là doanh nghiệp lỗ nhiều năm liên tục, thậm chí số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu nhưng vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh,” ông Cao Anh Tuấn cho biết.

Cuộc họp báo cũng đề cập tới vấn đề giá sữa và giá điện trong bối cảnh cả hai mặt hàng này đều có yếu tố thay đổi giá "đầu vào."

Cụ thể, trong bối cảnh giá điện có thể tăng do giá than đang tăng, ông Nguyễn Văn Truyền, Phó cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính, cho biết Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được phương án tăng giá điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

Theo ông Nguyễn Văn Truyền, hiện giá than bán cho điện được thực hiên theo cơ chế thị trường, đảm bảo tính đúng, tính đủ để tháo gỡ khó khăn cho ngành than. Do vậy, giá than tăng sẽ ảnh hưởng đến giá điện.

Tuy nhiên, việc điều hành quản lý giá điện lại thực hiện theo quyết định số 69/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo quyết định này, khi các yếu tố đầu vào tăng đến mức độ nào đó thì mới được điều chỉnh giá điện theo quy định.

Đối với giá sữa, ông Nguyễn Văn Truyền cho biết tính từ tháng Sáu, qua theo dõi và tham khảo trên thị trường thế giới cho thấy giá sữa nguyên liệu (nguyên kem, sữa gầy) có điều chỉnh giảm khoảng 15%. Với các mặt hàng sữa thành phẩm nhập khẩu nguyên hộp thì chưa giảm.

“Tuy nhiên đến nay chưa có doanh nghiệp nào gửi đăng ký điều chỉnh giảm giá sữa về Bộ Tài chính,” ông Nguyễn Văn Truyền khẳng định.

Về tác động của giá sữa thành phẩm giảm, ông Nguyễn Văn Truyền nêu rõ Nhà nước chỉ thực hiện việc bình ổn giá đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Mặt hàng này thuộc dạng sữa công thức trong đó có rất nhiều thành phần.

Sữa nguyên liệu chỉ là một trong những thành phần, nên việc giảm giá nguyên liệu chắc chắn cũng sẽ tác động tới giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Truyền cũng cho biết thêm giá sữa thuộc thẩm quyền tự quyết định của doanh nghiệp, khi doanh nghiệp điều chỉnh tăng hoặc giảm sẽ gửi kê khai, đăng ký cho cho cơ quan quản lý.

Việc giá sữa nguyên liệu giảm đã được Bộ Tài chính ghi nhận và tiếp tục theo dõi. “Nếu tác động lớn mà doanh nghiệp không tự điều chỉnh giảm cơ quan chức năng sẽ áp dụng biện pháp quản lý yêu cầu các doanh nghiệp điều chỉnh,” ông Nguyễn Văn Truyền nói./.
 

Theo TTXVN/Vietnam+

.