Buổi họp báo Thanh tra Chính phủ quý IV vừa diễn ra sáng 15/10. Tại đây, khi bàn về kết luận giá điện cõng tiền xây biệt thự, Phó tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho rằng, vấn đề này “là có cơ sở”.
 
Tuy nhiên, cơ quan thanh tra cho biết kết luận này còn chờ ý kiến của Thủ tướng nên chưa thể công bố, chỉ chia sẻ một phần thông tin.
 
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khi đầu tư cho 6 dự án nguồn điện, tập đoàn này đã tính nhiều khoản chi phí vô lý vào giá bán điện cho người dân. 6 dự án này của EVN đã dùng 355.000 m2 đất để xây nhà ở cho cán bộ, nhân viên. Trong số này, có cả những biệt thự đơn lập, song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, bể bơi, sân tennis... Tổng chi phí của những khoản mục này gần 600 tỷ đồng, theo Thanh tra Chính phủ, việc hạch toán này là không đúng quy định.
 
Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra, EVN đầu tư ra ngoài ngành hơn 121.000 tỷ đồng dù vốn điều lệ chưa đến 77.000 tỷ. Như vậy, việc đầu tư ngoài ngành vượt vốn điều lệ đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính.
 
 
Mặc dù vậy, không ít đơn vị vẫn chi thưởng cho nhân viên dù thua lỗ, không có nguồn để trích quỹ khen thưởng phúc lợi. Như Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) lỗ hàng nghìn tỷ đồng nhưng các đơn vị trực thuộc vẫn tạm ứng quỹ khen thưởng phúc lợi hơn 7,1 tỷ đồng. Tương tự, Tổng công ty Điện lực miền Trung cũng tạm ứng quỹ gần 5,4 tỷ đồng.
 
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng cho thấy, không chỉ những khoản xây dựng hàng trăm tỷ đồng bất hợp lý trên mà việc gánh lỗ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng được đơn vị xem như yếu tố để tăng giá điện.
 
Riêng năm 2011, đơn vị này chịu lỗ hơn 2.100 tỷ đồng thay cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sắt thép, ximăng (trong đó gồm không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
 
Theo quy định, EVN chỉ được mua ôtô 2 cầu, giá tối đa là 1,04 tỷ mỗi xe. Nhưng thực tế, EVN đã mua 2 xe Toyota Land Cruiser với giá hơn 2,5 tỷ đồng mỗi chiếc và được tính vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh chung.
 
Trong khi Tập đoàn EVN "mẹ" mua ôtô vượt mức được phép khoảng 3 tỷ đồng thì Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cũng mua sắm xe công vượt giá quy định 2,2 tỷ khi "tậu" 6 chiếc Toyota Camry 2.4G cho hoạt động kinh doanh.
 
Không chỉ vậy, còn nhiều bất hợp lý trong công tác đào tạo của đơn vị này. EVN đã cử 164 cán bộ đi học thạc sĩ quản trị kinh doanh, riêng chi phí trả cho Khoa sau đại học Trường Đại học Quốc gia Hà Nội là 1,6 triệu USD, chưa kể các chi phí khác ngót nghét 500 triệu đồng nhưng bằng lại không được công nhận.
 
Đánh giá những vi phạm này, Thanh tra Chính phủ cho rằng nguyên nhân chính là lãnh đạo EVN chưa chấp hành đúng các quy định về quản lý, sử dụng vốn tài sản; chưa thực hiện đúng quy định về đầu tư xây dựng đối với các dự án nguồn điện, còn để xảy ra các tồn tại, vi phạm làm tăng chi phí sản xuất điện. Do đó, cơ quan thanh tra kiến nghị xử lý tài chính gần 1.100 tỷ đồng và 1,648 triệu USD vi phạm.
 
Tuy nhiên, sau đó EVN đã có thông cáo "phản pháo" lại báo cáo này và cho rằng nhiều kết luận của Thanh tra Chính phủ là không chính xác.
 
 EVN khẳng định không đưa các chi phí xây biệt thự, sân tennis... vào giá thành mà gọi đây là "nhà công vụ" và tính là "khu điều hành của các nhà máy công trình".
 
Ông Ngô Văn Khánh - phó tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, nếu như EVN nói, những công trình đó phải dùng nguồn vốn phúc lợi. "Còn nếu không phải lấy từ nguồn phúc lợi mà sử dụng bằng nguồn vốn khác, về mặt nguyên tắc, trong chế độ hạch toán, công trình đó sẽ được khấu hao dần và như vậy là đã tính vào giá thành điện", đại diện Thanh tra Chính phủ nói.
 
Về việc EVN mua sắm xe công vượt quy định, "nhà đèn" từng giải thích đó là nhằm phục vụ cho công việc nhưng ông Ngô Văn Khánh cho biết đó chỉ là cách giải trình của họ. "Chúng tôi đã kết luận rõ, số xe mua sai như thế nào so với quy định. Còn việc họ giải trình thì chỉ là giải thích, còn sai vẫn là sai", ông Khánh thẳng thắn nói.
 
Theo Nguoiduatin
.