Cho năng suất cao, thời điểm thu hoạch không trùng với vụ trái cây miền Nam, miền Bắc và nước bạn Thái Lan... là những ưu điểm của nhãn rải vụ. Mô hình này đang được nông dân huyện Châu Thành thực hiện khá thành công, trong đó phải kể đến vườn nhãn của ông Võ Văn Hùng ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành.
Ông Hùng kể, cũng như nhiều gia đình khác, trước đây vườn nhãn rộng 2ha của gia đình ông cũng có thời điểm thu hoạch dồn dập, nhãn chín bán không kịp phải chạy vạy khắp nơi bán cho thương lái với giá khá thấp. Nghịch cảnh “được mùa, rớt giá” kéo dài suốt 7 năm liền khiến việc tiêu thụ trái cây gặp nhiều khó khăn. Một lần đi tập huấn về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, được thông tin về những thời điểm thu hoạch rộ trái cây ở các thị trường Thái Lan, miền Trung, miền Bắc... ông Hùng nhận thấy, muốn đầu ra cây trồng ổn định thì phương thức rải vụ cây trồng là giải pháp tối ưu.
Từ nhận thức này, ông Hùng về tính toán rải vụ trên cơ sở thời gian mang trái của giống nhãn idor trong vườn và có lịch chăm bón vườn đảm bảo cây đủ tàn lá trước khi xử lý ra hoa, đủ sức nuôi trái trong thời gian dài để vườn cây không bị suy kiệt. Đến thời điểm đã tính trước, ông kích thích tạo mầm hoa cho trái. “Thông thường mình xử lý cho nhãn ra 3 cơi đọt thì tiến hành cho nhãn ra hoa, với 2ha vườn nhãn, gia đình tôi chú trọng cho nhãn ra hoa quanh năm chứ không chú trọng vào thời gian thu hoạch dứt điểm, bởi nếu nhãn đủ cơi đọt cho trái đồng đều thì sẽ bán được giá cao”.
Nhờ chăm bón đầy đủ, hợp lý từng giai đoạn mà 2ha nhãn của ông Hùng luôn xanh tốt, sẵn sàng cho những mùa trái bội thu được điều khiển nghịch vụ. Nhờ vậy, khi nhãn thu hoạch vào dịp cuối năm thì giá thường cao hơn thời điểm tháng 8 như trước kia. Theo tính toán của ông Hùng, với 500 gốc nhãn 7 năm tuổi cho năng suất từ 17-18 tấn/năm, bình quân giá bán từ 30.000 đồng/kg, thì 1.000m2/cho 100 triệu đồng. Mùa rải vụ có năm bán được 45.000 đồng/kg, trái lại mùa tháng 4- 5 chỉ bán được 22.000 - 25.000 đồng/kg vì thời điểm nhãn đầu vụ có rất nhiều trái cây trên thị trường.
Ngoài cho trái rải vụ, để đáp ứng thị trường xuất khẩu, ông Hùng đang từng bước tính tới việc áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất theo hướng sạch, an toàn để cung cấp cho các công ty thu mua nhãn xuất khẩu tại Hợp tác xã nhãn Châu Thành. Đồng thời, thông qua Canh Tân Hội quán, ông cùng nhiều bà con trong hợp tác xã trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường cây ăn trái của các nước để có hướng điều chỉnh rải vụ hợp lý. Hiện trên địa bàn xã An Nhơn có rất nhiều hộ trồng nhãn đang học tập và làm theo mô hình sản xuất này.
Ông Huỳnh Hữu Thuận – Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn cho biết, mặc dù mô hình rải vụ nhãn của ông Võ Văn Hùng chỉ mới thực hiện hơn 1 năm nay nhưng thấy được hiệu quả kinh tế cao nhờ tránh được vụ thu hoạch rộ. Chúng tôi rất quan tâm đến mô hình này và phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tập huấn chuyển giao cho nông dân những biện pháp rải vụ. Song song với hướng dẫn kỹ thuật, địa phương cũng đang tìm thêm nhiều doanh nghiệp liên kết, giúp ổn định đầu ra của sản phẩm, cũng như nâng cao hơn nữa giá trị của trái nhãn Châu Thành.
Theo Báo Đồng Tháp