Ngày 4/11, Ngân hàng HSBC công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) của Việt Nam trong tháng 10.

 


Theo đó, trong tháng 10, chỉ số PMI không thay đổi so với tháng 9, vẫn giữ mức 51,5 điểm, là tháng thứ 2 liên tiếp trên ngưỡng 50 điểm.

Mặc dù chỉ số PMI toàn phần không thay đổi nhưng kết quả tháng 10 vẫn mạnh hơn với các chỉ số phụ đều tăng; trong đó sản lượng đạt mức 51,2 điểm so với mức 49,8 điểm trong tháng 9. Tăng trưởng sản lượng quay lại là yếu tố hỗ trợ giúp ngành sản xuất trong tháng 10 tăng lên. Mặc dù chỉ ở mức khá khiêm tốn nhưng đây là lần đầu tiên tăng trưởng được ghi nhận kể từ tháng 4. Sản lượng tăng sau khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng đơn hàng mới đã tăng tháng thứ 2 liên tiếp với tốc độ tăng nhanh nhất trong lịch sử khảo sát.

Doanh thu đơn hàng xuất khẩu mới cũng được báo cáo tăng trong suốt tháng 10, mặc dù mức tăng nhẹ hơn so với tháng 9. Tuy nhiên, đây là tháng thứ 2 liên tiếp số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới được ghi nhận tăng, và đà tăng trưởng vẫn còn mạnh.

Trong tháng 10, trước tình hình đơn đặt hàng mới và sản lượng đều tăng, doanh nghiệp đã phải tăng số lượng nhân công trong tháng thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, mức tăng nhân công khá nhẹ và thấp hơn so với mức mức tăng kỷ lục của tháng 9 vừa qua.

Việc xuất hiện áp lực đối với năng lực sản xuất cũng đã khuyến khích các công ty tăng số lượng việc làm trong các nhà máy của họ. Lượng công việc tồn đọng trong tháng 10 tăng không đáng kể sau 18 tháng giảm liên tục.

Một triển vọng tích cực trong tháng 10 là hoạt động mua hàng tiếp tục tăng và tồn kho hàng hóa đầu vào lầu đầu tiên tăng kể từ tháng 10/2011. Các nhà sản xuất cho rằng tăng trưởng có được là nhờ vào những nỗ lực đáp ứng mức tăng hiện tại và họ cũng kỳ vọng sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới sẽ tăng trong những tháng tới.

Với kết quả trên, HSBC cho rằng, tuy còn chậm nhưng chắc chắn, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng chuyển biến tốt hơn.
 

Theo Hà Nội mới

.