(BVPL) - Năm 2012, chiến dịch tẩy chay hàng Trung Quốc xuất hiện rầm rộ ở nhiều nước trên thế giới vì vấn nạn hàng giả và hàng chứa thành phần gây hại cho người tiêu dùng. Tại Việt Nam, chiến dịch tẩy chay hàng hóa Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ vào cuối năm 2014 khi rộ lên những thông tin về hoa quả chứa chất gây ung thư, đồ chơi trẻ em chứa chất độc hại cho sức khỏe, phát nổ, gây thương tích cho người dùng… Dường như, người tiêu dùng Việt đã dần ý thức được quyền “tẩy chay” của mình đối với những sản phẩm của doanh nghiệp gây ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường và lợi ích xã hội.
 
 
Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thu Hương, Giám đốc công ty CP truyền thông Vklink phân tích: Khi người tiêu dùng quyết định “tẩy chay”, không sử dụng hàng hóa, dịch vụ của một doanh nghiệp thường xuất phát từ những nguyên nhân như: sản phẩm kém chất lượng; quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường; sản phẩm chứa chất độc hại… Tuy nhiên, người tiêu dùng cần có cái nhìn thông thái khi quyết định tẩy chay doanh nghiệp, vì những lý do sau: Thứ nhất, thông tin về sản phẩm mà chúng ta đang tẩy chay có thật sự là nguồn thông tin chính thống từ các cơ quan nhà nước, đơn vị có thẩm quyền đưa ra kết luận hay không? Thứ hai, đây có phải là chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh hay không? chúng ta có đang trở thành công cụ trong một cuộc chiến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hay không?
 
Còn nhớ, năm 2008 chiến dịch tẩy chay bột ngọt Vedan diễn ra khá rầm rộ vì Công ty Vedan trong quá trình sản xuất đã không tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm trầm trọng sông Thị Vải, triệt nguồn sinh kế của hàng nghìn hộ nông dân. 
 
Việc tẩy chay đối với sản phẩm của Vedan xảy ra khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố những sai phạm của Vedan và Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Vedan. Nghĩa là, người tiêu dùng cũng nắm bắt được thông tin và chỉ tẩy chay hàng hóa khi có quyết định cuối cùng của cơ quan nhà nước liên quan tới việc Vedan xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
 
Trên cơ sở ví dụ trên, bà Phạm Thu Hương cho rằng, tâm lý chung của người tiêu dùng là sự dè chừng đối với dòng sản phẩm đang có những thông tin liên quan tới chất lượng. Tuy nhiên, là một người tiêu dùng thông thái, khi tiếp cận với những nguồn thông tin đó, cần phải có những phân tích, đánh giá khách quan, và chọn lọc thông tin đáng tin cậy, tránh để rơi vào trường hợp a dua, bị lợi dụng, trở thành một thứ công cụ đẩy doanh nghiệp vào tình trạng “không ngóc đầu lên được”, tước bỏ sự cố gắng không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp, của hàng ngàn công nhân đã phải lao động cật lực.
 
Đặc biệt là với doanh nghiệp Việt, niềm tự hào của dân tộc, tại sao phải chèn ép họ khi chưa có kết luận từ phía cơ quan nhà nước, khi chúng ta chưa nắm rõ thông tin. Hẳn mọi người cũng thấy qua những vụ việc tẩy chay rầm rộ có rất nhiều chủ thể  “vin vào diều để lên cùng khi gặp gió”, lợi dụng vụ việc để trục lợi cá nhân… Nhưng tóm lại, với người tiêu dùng, chúng ta được gì ngoài việc hoang mang trước những thông tin nhận được? 
 
Người thiệt thòi sau chiến dịch tẩy chay?
 
Tẩy chay hàng hóa của doanh nghiệp không đơn thuần mang lại thiệt hại trực tiếp cho doanh nghiệp. Hành vi này còn vô hình trung gây thiệt hại cho Nhà nước như: thất thu nguồn ngân sách và sau cùng người gánh hậu quả chính là người tiêu dùng. Bởi lẽ, tẩy chay, không sử dụng hàng hóa của doanh nghiệp sẽ gây mất cân bằng thị phần trên thị trường, khiến giá của sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp khác có thể bị đẩy lên cao hoặc người tiêu dùng sẽ phải chuyển qua dùng hàng nhập ngoại với giá đắt đỏ. Những người tiêu dùng không có điều kiện sẽ phải đối mặt với những hàng hóa không đảm bảo chất lượng, rồi hàng Trung Quốc lại có cơ hội để “chiếm lĩnh thị phần” khi quá phù hợp với túi tiền của chúng ta.
 
Trường hợp của Tân Hiệp Phát, xét ở góc độ quy mô thì đây là một doanh nghiệp lớn với hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Tân Hiệp Phát đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp nước giải khát hàng đầu tại Việt Nam và nằm trong số 53 doanh nghiệp được công nhận thương hiệu quốc gia, có đóng góp không hề nhỏ đối với ngành công nghiệp thực phẩm trong nước. Thế nhưng, chính doanh nghiệp này đang phải điêu đứng vì sự xử lý khủng hoảng truyền thông chưa được sáng suốt.
 
Nhìn lại thị trường hàng hóa của chúng ta, cần đặt lại câu hỏi: Liệu có bao nhiêu thương hiệu là hoàn toàn của Việt Nam khi lần lượt Xà bông Cô Ba, Dạ Lan hay kem đánh răng P/S… dần dần rơi vào tay của những nhà đầu tư nước ngoài. 
 
Với niềm tự tôn dân tộc, chúng ta cần hết sức tỉnh táo để những thương hiệu Việt, trong cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt của hội nhập vẫn có thể đứng vững với sự ủng hộ của người tiêu dùng Việt Nam. Tẩy chay là quyền của chúng ta - những người tiêu dùng, tuy nhiên, hãy dùng quyền của mình một cách thông thái và cân nhắc thật kỹ lưỡng, sau những chiến dịch tẩy chay doanh nghiệp, chúng ta được gì, nhất là tẩy chay những sản phẩm của doanh nghiệp Việt? Doanh nghiệp đóng cửa, công nhân thất nghiệp, sản phẩm hàng hóa trên thị trường mất tính đa dạng và bị chi phối bởi hầu hết sản phẩm của nhà đầu tư nước ngoài?
 
Là một người tiêu dùng sáng suốt, không thể vội vàng kết luận và nhanh chóng bị lôi kéo vào những “phong trào tẩy chay” khi không rõ lợi ích thật sự thuộc về ai với những thông tin một chiều, chưa rõ ngọn nguồn. Người tiêu dùng, hơn ai hết, không thể biến mình thành một công cụ để bị ai đó dễ dàng lợi dụng và kích động, mà phải tỉnh táo để chắt lọc và lựa chọn những thông tin chính xác, đúng đắn để phán xét câu chuyện đang diễn ra, ngoài việc lựa chọn và tiêu dùng những sản phẩm thật sự có chất lượng, nhưng vì lý do này hay lý do kia đã bị đánh giá sai. 
 
Thật vậy, sau tất cả, nếu diễn ra một cuộc tẩy chay “không lành mạnh” thì sự thiệt thòi sẽ đổ trực tiếp lên đầu cả doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.
 
Trường Linh