Tập đoàn, tổng công ty nhà nước kinh doanh giảm sút
Cập nhật lúc 11:28, Thứ sáu, 26/07/2013 (GMT+7)
Theo kết quả kiểm toán năm 2012 cho năm kinh doanh 2011, kết quả kinh doanh của tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang giảm mạnh. Có 4/27 đơn vị kinh doanh thua lỗ. (tập đoàn, tổng công ty, Petrolimex)
Theo kết quả kiểm toán năm 2012 cho năm kinh doanh 2011, kết quả kinh doanh của tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang giảm mạnh. Có 4/27 đơn vị kinh doanh thua lỗ.
Tại buổi họp báo, ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kiểm toán Nhà nước, cho biết năm 2012 cơ quan này đã kiểm toán báo cáo tài chính năm 2011 của 271 doanh nghiệp thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Kết quả cho thấy có 4/27 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và một số công ty con thuộc các đơn vị này thua lỗ (Petrolimex lỗ 1.671 tỉ đồng, Cienco 8 lỗ gần 138 tỉ đồng, Vinaincon lỗ 20 tỉ đồng, Mipeco lỗ 17,1 tỉ đồng, Tổng công ty Thành An lỗ 1,68 tỉ đồng...).
Nhiều tập đoàn, tổng công ty có kết quả kinh doanh giảm mạnh so với năm 2010 (Vinaconex, PVC, Vinafood 2, Habeco). Một số đơn vị kinh doanh có lãi nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt dưới 5% (lợi nhuận sau thuế/nguồn vốn chủ sở hữu).
Về thực trạng tài chính và công tác quản lý vốn, tài sản: tổng nợ phải thu của 27 tập đoàn, tổng công ty đến 31/12/2011 là 54.133 tỉ đồng, tỷ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản là 20,56% và trên vốn chủ sở hữu là 82,97%.
Về cơ bản, các doanh nghiệp đã quản lý các khoản nợ phải thu theo quy định. Tuy nhiên, một số đơn vị quản lý nợ chưa chặt chẽ để khách hàng chiếm dụng vốn lớn (Vinaincon, Vinafor, Vimeco), nợ xấu cao (Vinafor, PVC, Cienco 8...).
Tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đến 31/12/2011 là 263.288 tỉ đồng. Trong đó nguồn vốn chủ sở hữu là 65.241 tỉ đồng (chiếm 24,7% tổng nguồn vốn), nợ phải trả chiếm 69,94% tổng nguồn vốn.
Theo ông Đào Văn Dũng, con số này cho thấy các đơn vị hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng (Vinaincon 91%, Cienco 4 89%, Vinaconex gần 82%). Trong đó một số đơn vị vi phạm quy định về mức độ huy động vốn theo quy định (Cienco 8, Vinaincon, Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường, Vinacco…), nợ phải trả quá hạn cao (Cienco 8, PVC, Công ty Mê Kông, Vinaincon, Vinacafe); việc vay và sử dụng vốn vay còn nhiều bất cập; một số dự án đầu tư sử dụng vốn vay không hiệu quả, chậm tiến độ dẫn đến khó trả nợ; một số đơn vị chưa góp hoặc chưa được cấp đủ vốn điều lệ, không bảo toàn được vốn…
Theo Vân Ly
TBKTSG
.