(BVPL) - Sắp kết thúc quý III năm 2017, nhiệm vụ phấn đấu đạt các chỉ tiêu tăng trưởng về kinh tế, xã hội đang ngày một nóng trên các diễn đàn xã hội và được người dân cũng như dư luận cả nước hết sức quan tâm.

 


Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thể hiện sự cố gắng của Chính phủ, của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn những tồn tại đã được Chính phủ nhìn nhận đánh giá, bổ sung kịp thời để tìm biện pháp khắc phục, như: tăng trưởng kinh tế chưa thực sự vững chắc, tồn tại nhiều hạn chế; việc sử dụng tài nguyên, đất đai còn nhiều lãng phí, môi trường kinh doanh chưa được cải thiện nhiều, cải cách hành chính chưa triệt để, tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo vẫn xảy ra; phân giao nhiệm vụ chậm, nhất là giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn, bội chi ngân sách Nhà nước còn cao, nợ công tiệm cận giới hạn an toàn.

Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước diễn ra chậm, doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn cao, một số doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, không hiệu quả, chậm được khắc phục, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhất là ở vùng tái định cư thủy điện, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ô nhiễm môi trường xảy ra ở một số nơi gây hiệu quả nghiêm trọng, nhưng việc khắc phục còn chậm. Mất vệ sinh an toàn thực phẩm còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội. Trật tự, an toàn chưa tốt tại một số điểm.


Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân. Ngoài các nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan từ hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý Nhà nước các cấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nguyên nhân rất quan trọng là mô hình tăng trưởng vẫn theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào vốn, tài nguyên chưa chuyển mạnh sang chiều sâu.

Cũng theo TS. Nguyễn Minh Phong: Về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu quý III/2017 đã có những diễn biến khả quan, mặc dù kinh tế thế giới có biến động, nhiều nền kinh tế lớn gia tăng chính sách bảo hộ mậu dịch. Việc điều chỉnh chính sách kinh tế của một số nền kinh tế lớn sẽ có tác động mạnh đến đầu tư, thương mại, tỷ giá lạm phát, nợ công của nước ta.

Về chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao những cố gắng trong điều hành quyết liệt của Chính phủ, tạo cơ chế cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra khí thế mới cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Do vậy, dư địa tăng trưởng của chúng ta còn lớn có thể đạt được tốc độ 6,7%. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về việc chỉ tiêu này trong quý I + II năm 2017 chỉ đạt 5,73%, nên muốn đạt tăng trưởng theo kế hoạch 6,7% thì tăng trưởng trong 02 quý còn lại rất cao. Do vậy, đòi hỏi Chính phủ phải có giải pháp tích cực trong quá trình thực hiện.

Có ý kiến băn khoăn không nên tăng khai thác tài nguyên khoáng sản, bán rẻ để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP và thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, dư luận cũng bày tỏ lo ngại lạm phát năm 2017 có thể cao hơn chỉ tiêu lạm phát theo nghị quyết của Quốc hội. Và cho rằng, nợ xấu là điểm nghẽn của nền kinh tế là vấn đề cần tập trung giải quyết, do đó việc Quốc hội ban hành nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là cần thiết. Tình hình sản xuất nông nghiệp từ nay đến cuối năm đối mặt với nhiều khó khăn, do đó Chính phủ cần sớm có giải pháp chủ động ứng phó thị trường hữu hiệu để khắc phục những khó khăn, hạn chế này. Cần có chính sách và quan tâm hơn đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước từ nay tới cuối năm 2017 cho thấy, việc phân bổ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm, một số khoản chi về an sinh xã hội thực hiện chậm do phải sửa đổi, ban hành chính sách mới. Thâm hụt ngân sách, nợ công còn ở mức cao tiếp tục gây sức ép trả nợ và tạo rủi ro đối với phát triển bền vững của nền kinh tế, nhất là khi tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt GDP thực tế. Do vậy, từ nay đến cuối năm còn nhiều vấn đề cần giải quyết như: sức khỏe, chất lượng nguồn nhân lực, tình trạng quá tải bệnh viện, dịch vụ khám, chữa bệnh, về cải cách giáo dục, về vấn nạn bạo lực học đường và vấn đề thí điểm chính sách hợp đồng lao động cho giáo viên.

Đặc biệt, doanh nghiệp và người dân hiện nay rất quan tâm đến cải cách hành chính, cải cách bộ máy, cải cách tư pháp, quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đó là các điều kiện hết sức quan trọng để tạo sự ổn định, yên tâm với môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh và minh bạch.

Về nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát làm rõ các yếu tố tăng trưởng, tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý, chú ý đến các tỉnh miền Tây Nam bộ, các tỉnh miền núi, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, cho nông dân, cho ngư dân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đảm bảo chính sách cho người có công, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Ông Lộc cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật tài chính, kỷ cương hành chính, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung xử lý những việc gây bức xúc trong xã hội, nhất là xử lý các vụ án tham nhũng gây lãng phí thất thoát tài sản của nhà nước, tài sản của nhân dân.
 

Xuân Hồng

.